Nương rẫy hóa rừng già
Ngay lối dẫn vào khu tham quan vườn quốc gia Chư Mom Ray (Sa Thầy, Kon Tum) là tấm biển lớn đập vào mặt du khách dòng chữ to tướng “Không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp”. Và mặt sau, nhắc nhở du khách đi ra “không để lại gì ngoài dấu chân”. Hơn 100 ha rừng nơi đây cây cối um tùm, nhiều cây đã trở thành cổ thụ, đường kính 2 - 3 người ôm không xuể. Ít ai ngờ rằng nơi đây từng là đồi trọc, nương rẫy của bà con đồng bào.
Dấu vết ngôi làng Bar Gốc (xã Sa Sơn) xưa nay đã không còn bởi cây rừng đã bao phủ. Theo lối mòn vào tham quan cánh rừng, ông Ðào Xuân Thủy, Phó giám đốc vườn quốc gia Chư Mom Ray cho hay: toàn bộ hơn 100ha trước đây là nương rẫy nay đã tái sinh 100%. Ðây là niềm tự hào của anh em đơn vị, dân làng sống dưới chân núi Chư Mom Ray.
Quay lại ký ức cách đây 20 năm, ông Thủy cho biết: ngày đó 69 hộ dân quần cư nơi bìa rừng, phá rừng làm nương rẫy. Phải di dời dân làng ra khỏi bìa rừng, xin lại diện tích nương rẫy của bà con để bảo vệ và hồi sinh lại vùng đệm quan trọng này.
Anh em cán bộ vườn Quốc gia Chư Mom Ray ngày đó phải chia nhau vào vận động, động viên và phân tích cho dân làng hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ rừng. Sau khi dân làng họp, có ý kiến của già làng uy tín, người dân đồng loạt di dời ra bên ngoài để giao lại hơn 100 ha nương rẫy cho vườn quản lý. Việc làm này khiến chính quyền địa phương rất cảm kích.
“Không phụ niềm tin của bà con, anh em bắt tay vào công cuộc khôi phục rừng trên diện tích mà dân làng đã giao lại. Ròng rã 20 năm nay trồng, chăm sóc, bảo vệ, nương rẫy của bà con xưa giờ nay đã là rừng già. Chỉ cần nhân dân đồng lòng, rừng sẽ được bảo vệ” ông Thủy cho biết. Từ 69 hộ, di dời ra nơi ở mới được cấp ruộng đất, làng Bar Gốc sau 20 năm đã có hơn 200 hộ. Bản làng sạch đẹp dưới chân núi Chư Mom Ray xanh ngắt, tô đẹp cho khung cảnh yên bình và hùng vỹ của núi rừng.
Làm bạn với muông thú
Năm nay mới 33 tuổi, Trần Quốc Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ và bảo tồn, phát triển sinh vật) đã có gần 10 năm gắn bó với rừng ở vườn quốc gia Chư Mom Ray. Tuấn đưa chúng tôi vào thăm “khu dưỡng thương” của các loài thú đang điều dưỡng, trị bệnh giữa cánh rừng tái sinh. Ở đây có nhiều thú như trăn gấm, kỳ đà, chim trĩ, khỉ má hung, voọc chân xám… Tuấn chỉ từng con giới thiệu về số phận và cơ duyên đưa chúng đến đây. Hầu hết là chúng là thú bị bẫy, bắt và vận chuyển trái phép được ngành chức năng phát hiện rồi đưa về đây điều trị bệnh, nuôi dưỡng, trước khi trả về rừng.
Thấy người vào, một chú khỉ con nhảy tót từ trong lồng ra, hai tay quấn quýt như làm nũng với Tuấn. Chú khỉ con lim dim mắt, chốc chốc lại đưa mũi vào hít hít mồ hôi nơi áo Tuấn. Tuấn kể, hơn năm trước, chú khỉ này được dân làng đưa về đây giao cho anh em chăm sóc khi mẹ nó bị thương và chết trên rẫy. Lúc ấy nó còn bé tí, anh em phải chăm sóc như trẻ sơ sinh, cho bú sữa, mớm ăn từng bữa. Thấp thoát đến nay chú khỉ đã lớn, cửa lồng luôn mở nhưng nó không vào rừng mà ở lại đây quấn quít với anh em, ân nhân đã cứu mạng nó. “Nó có cảm nhận và biết chia sẻ cảm xúc. Anh em quý vì nó là chú khỉ hiền lành, nghe lời nhất khu này” vừa vuốt ve chú khỉ Tuấn vừa nói. Chú khỉ đã trưởng thành thuộc nhóm quý hiếm 2B sát cạnh có hoàn cảnh khác. Nó bị dính bẫy, sợi dây thép thít chặt hai bên hông, lòi cả thịt bên trong, nhưng may là chưa hoại tử. Anh em phải tiêm thuốc gây mê rồi sát trùng, điều trị vết thương cho “bệnh nhân” đặc biệt này cả mấy tháng trời mới lành hẳn. Vài tháng nữa thôi, sau khi làm quen lại với rừng, chú sẽ được thả về với tự nhiên.
Từ khi thành lập đến nay, Tuấn cho hay, hàng trăm động vật quý hiếm đã được anh em chăm sóc, cứu sống và thả vào rừng, về với tự nhiên tại vườn quốc gia này. Số lượng bao nhiêu, anh em không thể nhớ hết. Thú rừng đưa đến đây đa phần được anh em cứu sống, nhưng cũng có trường hợp Tuấn và anh em nuốt nước mắt, bó tay. Gần đây nhất là con khỉ trưởng thành được ngành chức năng bắt từ kẻ mua bán thú rừng, giao về đây. Khi tiếp nhận, khỉ đã kiệt sức vì bị giam hãm lâu ngày. Cho uống nước, cho ăn, nó đều từ chối. Mấy ngày sau, chú khỉ ra đi trong sự xót xa của anh em trung tâm. Kể về chuyện này, giọng Tuấn chùng xuống, mắt nhìn về phía góc rừng, nơi có nghĩa địa an táng những thú rừng xấu số.
Vườn lan rừng quý hiếm
Tuấn dẫn chúng tôi vòng qua 2 khu nhà lưới được bảo vệ nghiêm ngặt cạnh đó. Ðây chính vườn sưu tầm hoa lan được vườn quốc gia xây dựng gần 4 năm nay. Hai nhà lưới quy mô, với hệ thống tưới tự động treo lủng lẳng hàng ngàn giỏ lan với 115 giống loài khác nhau. Trong đó có nhiều loài quý hiếm, khó trồng như Giả hạc, Ðại bạch hạc, Trúc phật bà, Trúc bạch hạc, Trúc mã hành… Một trong số đó, anh em lấy về từ rừng, một phần là tang vật từ các vụ do kiểm lâm thu giữ.
“Xuất phát từ phong trào chơi lan rừng phát triển mạnh trong thời gian qua, khiến nguồn lan quý ở Chư Mom Rây đang dần khan hiếm, anh em quyết định đầu tư xây dựng vườn lan để bảo tồn gen các giống lan quý” - Tuấn cho hay.
Ðại bạch hạc là giống lan đặc trưng vùng núi cao, ẩm ướt, khó nuôi trồng thế nhưng Tuấn và anh em vẫn nhân giống và nuôi dưỡng thành công. Ðể di thực được loại lan này, anh em phải bỏ thời gian nghiên cứu, sưu tầm các thân gỗ, các loại rêu mốc, phân chim ngoài tự nhiên về để trồng, chăm lan. Ðến nay hàng chục giỏ lan Ðại bạch hạc đã được ươm, nhân giống sinh sôi tại đây. Hay như Giả hạc, giống lan đang hót trên thị trường cũng đã được Tuấn nuôi cấy thành công. Nếu những nhành lan đột biến, giá trị sẽ rất cao.
“Các giống lan được nhân ra hàng ngàn giỏ lan. Một phần sẽ được đưa ra thị trường, để giảm thiểu tình trạng đổ xô vào rừng lấy lan. Một phần sẽ được chuyển dần về môi trường tự nhiên bằng cách ghép lên thân cây rừng. Từ 1 - 2 năm đầu anh em phải tiến hành theo dõi chăm sóc kỹ. Ðến khi lan sống, nở hoa, gió rừng sẽ đem giống đi khắp rừng, nhân giống lan quý một cách tự nhiên” - Tuấn nói.
Hơn 100 ha rừng nơi đây cây cối um tùm, nhiều cây đã trở thành cổ thụ, đường kính 2 - 3 người ôm không xuể. Ít ai ngờ rằng nơi đây từng là đồi trọc, nương rẫy của bà con đồng bào.