Đó là một nghề đặc biệt của TP Hội An. Ở nghề này có sự giao lưu mạnh mẽ về kỹ thuật giữa các truyền thống đóng ghe thuyền có nguồn gốc từ Champa, Hoa, Việt, Nhật và phương Tây.
Kết quả của quá trình này đã được kế thừa, tiếp biến, tạo điều kiện để Kim Bồng trở thành là một địa chỉ đóng tàu nổi tiếng của Quảng Nam và miền Trung.
Những ngày này, ở làng đóng tàu Kim Bồng, những người thợ vẫn say sưa với từng công đoạn đóng mới tàu cá. Từng tốp thợ chia nhau xẻ gỗ, kéo triền đà, uốn be, khoan chốt… “Năm nay tôi đã bước vào tuổi 50, nghĩa là tôi đã có 35 năm tuổi nghề, niềm vui cũng nhiều mà nỗi buồn cũng không ít. Ai đời, sinh ra, lớn lên và thạo nghề giữa làng đóng tàu danh tiếng mà thời gian đi “đánh thuê” ở các địa phương khác lại chiếm đến hai phần ba quãng đời. Thời gian trôi qua, sức sống của làng nghề cũng được dịp trỗi dậy. Bây giờ, nhận hợp đồng rồi tập hợp những người thợ lành nghề của làng để đóng mới tàu cá, tôi rất vui. Niềm vui đó càng nhân lên khi làng nghề được hồi sinh”, ông Nguyễn Nhân ở thôn Trung Hà, chủ cơ sở đóng tàu có thâm niên của làng nghề hồ hởi nói.
“Làm nước” tồn tại khá lâu tại Kim Bồng
Hai nhóm thợ tại cơ sở đóng tàu của ông Lữ Vui (thuộc thôn Trung Hà) cũng bưng bê, đục đẽo để hoàn thành hai chiếc tàu có công suất 250 CV của hai nhóm hộ ngư dân đến từ xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Bình Minh (Thăng Bình). Anh Nguyễn Văn Lập, người thợ đóng tàu ở thôn Đông Hà cho biết, anh học nghề đóng tàu từ khi kết thúc trung học. Có thời gian dài đóng tàu ở làng nghề, rồi thất nghiệp, có lúc chuyển nghề, nay Lập trở lại với công việc quen thuộc.
Bản vẽ hành hạ làng nghề?
Ông Nhân dẫn khách đi vòng quanh “doanh trại”, nơi có hàng chục thợ đóng tàu đang tự “quản thúc” mình trong đó. Ông Nhân chỉ xưởng cưa, đường ray triền đà, từng kiện gỗ, khối gỗ, nhà xưởng, trạm cung ứng phụ tùng rồi... hít một hơi dài, kể: “Cái thủ tục phê duyệt bản vẽ, hồ sơ thiết kế tàu cá đã... hành hạ chúng tôi từ hàng chục năm qua. Đường đi của bản vẽ từ Quảng Nam ra Hà Nội để phê duyệt sao mà trắc trở quá trời. Phải chờ đợi hàng tháng trời nên chủ tàu nào cũng nản lòng, họ tặc lưỡi rồi… chạy vì lãi suất vốn vay từ ngân hàng cứ “đội nón” mà dôi lên. Vay tiền tỷ chứ có phải ít đâu. Vậy là đứt hẳn hợp đồng sắp bắt tay vào việc”.
Nhiều nguồn tư liệu đã khẳng định, đóng tàu tại Kim Bồng đã thành nghề từ thế kỷ XVIII. Một số trát văn thời Quang Trung đang được lưu giữ tại TP Hội An cũng cho thấy nhiều nội dung liên quan việc điều các thợ đóng tàu của Kim Bồng đi tu bổ, đóng mới các chiến tàu, thuyền cho quân đội.
Ông Nhân ngừng nói, lấy hơi như để chắp nối đầu đuôi chuyện: “Muốn đóng tàu công suất lớn ở đâu mà chẳng qua phê duyệt thiết kế? Tại sao cũng chỉ là bản vẽ thôi mà khi được phê duyệt để đóng tại các các cơ sở ở Kim Bồng thì quá khó mà ở một số cơ sở khác thì lại thông suốt? Thủ tục để được đóng tàu lớn có bất trắc chi đây mà chúng tôi đã không lần ra”.
Để được đóng mới tàu cá có công suất từ 250CV trở lên, chủ cơ sở đóng tàu phải hoàn tất hồ sơ thiết kế rồi gửi ra Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT) để phê duyệt. Chỉ là phê duyệt một mẫu chung thiết kế nhưng “đường đi” vòng vèo của nó đã khiến cho nhiều cơ sở đóng tàu ở Kim Bồng phải... chết đứng.
Do không “chạy” được phê duyệt thiết kế, không đóng được tàu mới nên các cơ sở đóng tàu danh tiếng ở đây phải cầm cự sống bằng nghề “làm nước” - sửa chữa tàu cá không phải tuân thủ theo bất kỳ một thiết kế nào - suốt một thời gian đằng đẵng.
Ông Nhân cười buồn: “Nói chẳng đặng đừng, hồ sơ thiết kế chỉ là bản vẽ từ những nét vẽ vô hồn mang tính ràng buộc hành chính, phải tuân thủ. Cha ông của làng nghề tự xửa xưa có vẽ thân tàu bao giờ đâu mà chiếc tàu nào cũng “ngon” hết, ai cũng khen là đáo để.
Chúng tôi đóng tàu theo quan niệm dân gian, ngư dân “thích” mẫu tàu nào thì chúng tôi đóng theo ý họ, in hệt vậy chứ chả khác nửa ly. Không nói ngoa, thân tàu chúng tôi đóng có thể cong, nghiêng, thẳng tùy theo đà đẩy của sóng. Nhưng đôi khi, sự vô cảm ở đời (cụ thể là bản vẽ thiết kế - PV) lại thắng những biểu cảm sinh động, và giàu ý nghĩa của tinh thần”.
Do trên địa bàn tỉnh không có đơn vị nào có đủ điều kiện theo quy định để thiết kế bản vẽ thân tàu nên ông Nhân và nhiều chủ cơ sở đóng tàu khác ở làng nghề phải chạy đôn, chạy đáo đến các tỉnh, thành khác để… thuê thiết kế. Mất nhiều thời gian, qua nhiều môi giới, ông Nhân mới “đến” được với thiết kế thân tàu, rồi làm hồ sơ gửi đến Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, được phê duyệt lấy đó làm cơ sở để đóng tàu. “Ừ, thì cam go đủ đường, nhưng quan trọng là chừ có thể đóng mới tàu cá làm hồi sinh làng nghề”, ông Nhân nói.
Khôi phục bằng được
Ông Phan Trọng Nhân, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim khẳng định, sự hồi sinh của nghề đóng tàu Kim Bồng là niềm tự hào lớn: “Sự hồi sinh của làng nghề đã cho thấy năng lực vận động nội tại rất lớn. Đó chính là điểm nhấn của địa phương trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng, làm giàu bản sắc văn hóa cho đô thị cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới”.
Xã đang đề xuất với UBND TP Hội An có cơ chế hỗ trợ vốn vay giúp các chủ cơ sở đóng tàu có thêm điều kiện mua nguyên liệu, đầu tư máy móc, thiết bị, kiện toàn hạ tầng cơ sở, phát triển bền vững làng nghề.
Ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An khẳng định, không có lý do gì để không ưu tiên đầu tư khôi phục vị thế lớn của nghề đóng tàu biển.
“Qua nhiều thăng trầm, trong sự tồn tại và phát triển của làng nghề qua mấy trăm năm đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân đóng tàu nức tiếng gần xa. Phát triển bền vững nghề đóng tàu cá Kim Bồng, bảo vệ vốn liếng văn hóa địa phương cũng là tạo môi trường thuận lợi để các nghệ nhân dân gian - các báu vật “sống” cống hiến thêm cho hiện tại và cả mai sau”, ông Bay nói.