Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc thứ X: Mong đợi câu trả lời về lương tri

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Vì sao chúng ta viết?” là khẩu hiệu của Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 18-19/6 tại Đà Nẵng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kỳ vọng sẽ lắng nghe tâm tư, những câu trả lời từ hơn 100 người cầm bút trẻ.

Tuyên ngôn của tác giả trẻ

Cuộc hội ngộ của những người trẻ cầm bút thường diễn ra 5 năm một lần. Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X bị lui lại một năm do đại dịch. Nhà thơ Trần Hữu Việt, Ủy viên BCH, Trưởng ban Nhà văn trẻ thông báo, khoảng 138 đại biểu tham dự trong đó 119 đại biểu là cây bút trẻ cả nước, 19 đại biểu là hội viên tuổi đời từ 35 trở xuống, tuy nhiên một số đại biểu sinh năm 1985 được đặc cách do yếu tố chuyên ngành và địa phương. Khá nhiều người từng được dán nhãn bằng ít nhất một giải thưởng văn chương, hoặc đã xuất bản một số cuốn sách.

Lựa chọn khẩu hiệu và cũng là thông điệp xuyên suốt hội nghị và hai hội thảo chuyên ngành thơ, văn xuôi Vì sao chúng ta viết?, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cắt nghĩa: “Câu hỏi này không mới, xuất hiện ngay khi con người cầm bút sáng tác văn chương song lại vô cùng cần thiết và cấp bách. Mỗi khi ngồi xuống viết, họ phải trả lời câu hỏi viết để làm gì, viết cho ai và trên tinh thần, tư tưởng nào…? Chưa bao giờ giá trị tinh thần, giá trị văn hóa và nhân tính bị đe dọa, phá vỡ nhiều như bây giờ. Nền tảng duy nhất mà các nhà văn dựa vào chính là chủ nghĩa nhân văn, bằng không thì chẳng viết để làm gì cả. Trong hội nghị này, các nhà văn trẻ phải có câu trả lời về lương tri”.

Nhận định nền tảng kiến thức, sự hiểu biết, điều kiện sống, điều kiện công bố tác phẩm, cơ hội tiếp xúc với các nền văn hóa thế giới hơn hẳn thế hệ đi trước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng những người viết trẻ phải trả lời câu hỏi “vì sao viết”, phải “đem khả năng, tài năng viết văn, nghệ thuật ngôn từ để làm điều gì đó-bảo vệ con người, thiên nhiên, văn hóa, tạo ra những giấc mơ tươi đẹp cho con người dù đôi lúc bị vùi lấp”. Ông Thiều khẳng định để tránh mang tiếng hội nghị viết văn trẻ toàn người già tham dự, lần này hội mời chủ yếu người viết trẻ. “Đây là diễn đàn của họ, tuyên ngôn của họ về văn hóa, con người. Họ sẽ cất tiếng nói, chúng tôi sẽ lắng nghe và gợi mở chứ không hề có ý dạy dỗ gì cả”, ông nói.

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc thứ X: Mong đợi câu trả lời về lương tri ảnh 1

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cam kết tìm kiếm, khích lệ nhiều giọng nói mới hơn nữa Ảnh: KỲ SƠN

Lùng sục giọng nói mới

Trước thắc mắc thế hệ trẻ có điều kiện nhưng tác phẩm còn mờ nhạt, chưa có những hiện tượng nổi bật, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định các tác giả trẻ có thể bước một bước ra thế giới rộng lớn, tuy nhiên họ cũng đối mặt với những khó khăn vì để đạt được sự đồng thuận khen chê như thế hệ trước không hề đơn giản. “Không dễ có được những hiện tượng như Phạm Tiến Duật của những năm chống Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa là thiếu tác giả có tài như ngày xưa”, Trần Đăng Khoa nhận định. Ông lấy làm tiếc vì dịch giả trẻ tuổi Nguyễn Bình đang học tập tại Mỹ không thể tham dự diễn đàn lần này. Nguyễn Bình dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh, được giới phê bình Mỹ đánh giá cao. Tác phẩm này cũng được trao thưởng Giải thưởng Tác giả trẻ lần I-2021.

Đây là hội nghị có số lượng đại biểu đông nhất so với hai kỳ hội nghị gần đây. Số lượng đông nhất là các tác giả ở độ tuổi từ 22-30 (sinh từ năm 1992-2000). Các đại biểu trẻ là kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, giáo viên, doanh nhân, công an, bộ đội, công nhân, nông dân, viên chức, công chức... và cả những người hành nghề tự do. Hai Hội thảo thơ và văn xuôi tập trung bàn về thái độ, trách nhiệm lương tâm của người cầm bút với cuộc sống, xã hội và trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”.

Dù thế hệ ngày nay có điều kiện hơn, tuy nhiên họ lại đang sống trong thời đại mà văn chương không còn là sự quyến rũ, linh thiêng như trước. “Trước đây, có những tác phẩm phải có giấy giới thiệu của cơ quan mới mua được nhưng nay đã khác. Một miếng thịt ba chỉ rang muối ngon đến tận bây giờ, nhưng thời nay nem công chả phượng cũng không còn nhiều ý nghĩa. Chất lượng các tác phẩm văn chương bây giờ có lẽ cũng vậy”, ông Nguyễn Quang Thiều nêu. Ngày nay có những tác phẩm chất lượng nhưng sự đón nhận của bạn đọc đã thay đổi, không còn nồng nhiệt như trước. Tác giả trẻ phải đối diện với những thách thức lớn hơn để có thể ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Nhà thơ Hữu Việt nhận định, số lượng tác phẩm và đề tài của người trẻ cầm bút đa dạng nhưng vẫn còn thiếu một điều gì đó. Theo anh có lẽ đó là đam mê chưa đủ, ở họ chưa có “khao khát phải viết bằng được nếu không thì văn học sẽ trống vắng đi”.

Hội nghị này có sự xuất hiện của tác giả trẻ nhất Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007, học sinh THPT tại TP.HCM. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể, ông đích thân viết thư mời rất trân trọng gửi cho tác giả-sáng tác thơ từ 7 tuổi, đã có tác phẩm xuất bản. Khi đọc chùm tác phẩm của Minh Anh, Chủ tịch Hội nhận thấy vẻ đẹp nhân văn được trình bày bằng ngôn ngữ của thế hệ hiện đại. Ông đánh giá cao những người viết trẻ không rời bỏ bản chất văn chương, đó là sự chia sẻ với con người và thiên nhiên.

Khẳng định không thụ động chờ đợi, ông Thiều cho biết Hội Nhà văn chủ trương phải kiếm tìm những giọng nói mới mẻ bằng được, bằng cách vào các diễn đàn, mạng xã hội hay để ý trên truyền thông. Thấy người hay phải tìm đến họ, khích lệ họ thậm chí tạo cơ hội cho họ công bố tác phẩm, ông Thiều khẳng định. Cầm trên tay hai tuyển tác phẩm trẻ mới nhất, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cam kết Hội sẽ đứng ra xuất bản tác phẩm xuất sắc, bằng không ông sẽ có cách kêu gọi xã hội hóa.

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).