Tổng cộng 194 nước đã nhất trí một thỏa thuận khung, theo đó, từ năm tới, mỗi nước đệ trình kế hoạch quốc gia để đối phó tình trạng nóng lên của Trái Đất, góp phần hình thành thỏa thuận toàn cầu mới được xem xét tại hội nghị năm sau.
COP-20 là hội nghị cuối cùng trước thời hạn chót các nước phải ký được văn kiện mới thay thế Nghị định thư Kyoto tại COP-21 ở Pháp.
Thỏa thuận đạt được hôm qua sau khi dự thảo trước đó bị các nước đang phát triển bác bỏ với lý do, các nước giàu sử dụng nhiều dầu khí nhất, nhưng lại đổ trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính cho những nước nghèo hơn.
Dự thảo cuối cùng được sửa đổi theo hướng các nước có trách nhiệm chung, nhưng ở mức độ khác nhau và các nước giàu cam kết hỗ trợ tài chính cho những nước đang phát triển dễ bị tổn thương.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javedekar nói với báo giới rằng, thỏa thuận mới đạt được có ý nói rằng, các quốc gia giàu có hơn phải đi đầu trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính.