Hội nghị An ninh Munich: Mỹ - châu Âu giữa muôn trùng thử thách

Hội nghị An ninh Munich mới kết thúc hôm 19/2
Hội nghị An ninh Munich mới kết thúc hôm 19/2
TPO - Hội nghị diễn ra hàng năm tại thành phố Munich, miền nam nước Đức được xem là một diễn đàn mở và không chính thức dành cho giới lãnh đạo các nước gặp nhau để trao đổi về cuộc chiến chống khủng bố, cũng như các vấn đề nóng ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh toàn cầu.

Tuy nhiên, hội nghị năm nay (mới kết thúc vào ngày 19/2) là đặc biệt đáng chú ý bởi nó cung cấp cái nhìn đầu tiên vào chính sách quốc phòng của ông Donald Trump, Tổng thống Mỹ duy nhất kể từ Thế chiến II cho rằng liên minh quân sự giữa Mỹ với châu Âu đã “lỗi thời”.

Tổng thống Trump cũng là lãnh đạo Mỹ duy nhất tin rằng nguy cơ tan vỡ của Liên minh châu Âu (EU) có thể tốt cho lợi ích của Mỹ.

Mỹ cam kết ủng hộ châu Âu

Hội nghị An ninh Munich đã chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất nhưng may mắn hội nghị kết thúc trong tinh thần hợp tác tốt đẹp.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhắc lại cam kết của Washington “ủng hộ châu Âu ngày hôm nay và mãi mãi” trong khi châu Âu tái khẳng định lại sự gắn bó với liên kết xuyên Đại Tây Dương.

“Châu Âu cần Bắc Mỹ và Bắc Mỹ cần châu Âu”, ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ở châu Âu, đáp lại.

Straits Times nhận định, dù họ có tái khẳng định lại “lời thề” nhưng thực tế quan hệ Mỹ- EU vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn nhất của họ trong 7 thập kỉ qua và các cuộc thảo luận về những gì cần phải được thực hiện để giải quyết chúng hầu như không diễn ra.

Không ai có thể nghi ngờ về tầm quan trọng của liên kết xuyên Đại Tây Dương, dù nền kinh tế châu Á đang phát triển vượt bậc, nhưng quan hệ kinh tế Mỹ - EU vẫn là lớn nhất thế giới, chiếm đến khoảng 1/3 thương mại toàn cầu. Ngoài ra, cho đến nay, NATO vẫn là liên minh quân sự mạnh nhất thế giới.

Quan hệ Mỹ - EU suy yếu

Theo Straits Times, quan hệ quân sự giữa Mỹ và châu Âu đang suy yếu. Kể từ khi NATO được thành lập vào năm 1949, châu Âu chưa bao giờ trả đầy đủ chi phí do cho liên minh quân sự này.

Vào những năm đầu thập niên 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một mình Mỹ đã chi trả tới 1 nửa chi phí cho NATO. Kể từ đó, vấn đề ngày càng tồi tệ.

Hiện nay, Mỹ đang chịu trách nhiệm đến 70% chi phí hoạt động của NATO bất chấp thực tế rằng nếu tính gộp cả dân số và kinh tế, châu Âu lớn hơn nhiều so với Mỹ.

Trong phát biểu năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng thời đó là Robert Gates công khai cảnh báo rằng NATO đang đối mặt với một “tương lai ảm đạm” vì “không có tính tập thể”, trừ phi các thành viên châu Âu tăng đóng góp tài chính.

Dù vậy, cam kết của chính phủ các nước châu Âu về việc dành ít nhất 2% GDP mỗi năm cho NATO vẫn chưa hoàn thành. Ngoài Mỹ, chỉ có Anh, Hy Lạp, Ba Lan và Estonia là thực hiện đúng cam kết.

Đáp lại, ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bác bỏ những cáo buộc của Mỹ, tuyên bố rằng những đóng góp rộng lớn của EU để phát triển toàn cầu cũng nên được ghi nhận.

Dẫu vậy, hầu hết những nhà lập pháp của châu Âu đều phải thừa nhận rằng họ nên “móc hầu bao sâu hơn nữa”.

Theo Theo Straits Times
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.