Mặc dù năm ngoái công ty cho nhiều quà, nhưng đa số là hiện vật như gạo, dầu ăn, nước mắm, bánh mứt tết, còn hiện kim chỉ tượng trưng. “Giám đốc cũng chia sẻ những khó khăn nên nhân viên đều thông cảm. Năm nay công ty có nhiều đơn hàng mới, công nhân (CN) tăng ca nhiều hơn trước. Vì vậy chúng tôi rất kỳ vọng vào thưởng Tết, để còn có tiền mua sắm quần áo mới cho con, biếu tặng họ hàng khi về quê” - chị Xoa hy vọng.
Cũng chờ thưởng Tết, nhưng chị Lê Thị Hồng Nhung (CN may khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức, TPHCM) tỏ ra khá bình thản. Lý do là hơn 10 năm làm nghề, thưởng năm nào cũng như nhau: 1 tháng lương. “Công ty nước ngoài, đơn hàng ổn định, họ không nợ lương mình và thưởng thì như mọi năm, không có biến động gì. Tôi chỉ mong có thưởng sớm để mua sắm tết. Hơn 5 năm ăn tết xa quê, nay tôi tính đưa con cháu về thăm ông bà, vui chơi mấy ngày rồi trở lại công việc”.
Chăm lo tốt để giữ người
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food cho biết: Không chỉ công bố thưởng sớm, Công ty còn dành 45 tỷ đồng chăm lo cho NLĐ dịp tết Canh Tý 2020. Cụ thể công ty thưởng 2 tháng lương cho CN-NLĐ, bình quân 17 triệu đồng/người. Đặc biệt, những CN sản xuất có tay nghề cao, đạt các danh hiệu thi đua sẽ được thưởng gần 3 tháng lương, tương đương 30 triệu đồng/người.
Đơn vị này còn chi gần chục tỷ đồng để trả tồn phép năm bằng tiền cho CN sản xuất, thưởng thâm niên, tặng quà, tổ chức xe đưa đón công nhân viên về quê và quay lại làm việc sau tết. “Có chăm lo, quan tâm đến đời sống, tâm tư thì CN mới gắn bó và cống hiến cho mình lâu dài. Đây chính là phương châm giữ người của Sài Gòn Food nhiều năm qua”, bà Lâm chia sẻ.
Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao Q.9, TPHCM) công bố thưởng Tết từ rất sớm. Ngoài thưởng 1,1 tháng lương, công ty còn tặng quà, hỗ trợ 90% kinh phí thuê xe đưa đón CN ở xa về quê với tuyến xa nhất là Cà Mau và Hà Nội. Hơn 10.000 CN Công ty TNHH Việt Nam Samho (H.Củ Chi) cũng được thưởng 1 tháng lương dịp Tết.
Theo ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở LĐTB&XH
TPHCM, Sở vẫn đang tiếp nhận báo cáo tình hình thưởng Tết của các DN. “Dự đoán mức thưởng bình quân, phổ biến mà NLĐ nhận được là 1 tháng lương. Do lương tối thiểu vùng tăng nên mức thưởng có nhích lên chút ít” - ông Năm cho hay.
Theo đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, ngành dệt gặp nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, ngành may gặp thuận lợi hơn. Nhiều đơn vị đã có đơn hàng bảo đảm đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Theo thống kê của công đoàn Dệt may Việt Nam, thu nhập bình quân của NLĐ ngành may dao động khoảng 8 triệu đồng/người/tháng, tăng 7% so với năm trước. Mức thưởng Tết của CN may bình quân khoảng 1,5 tháng lương nhưng do thu nhập tăng nên kéo theo mức thưởng Tết tăng khoảng 10,3% so với năm 2018.
Tại các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TPHCM (Hepza), đến chiều 16/12, đã có khoảng 30 công đoàn cơ sở gửi báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết. Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch công đoàn Hepza cho hay, đa số DN đều thưởng 1 tháng lương, một số DN kinh doanh hiệu quả thưởng từ 2-2,3 tháng lương. Nhiều nơi tự tổ chức xe đưa đón CN trước và sau tết hoặc hỗ trợ vé xe về quê. Bên cạnh đó, các DN còn có kế hoạch tổ chức tiệc tất niên, tuyên dương lao động giỏi, rút thăm trúng thưởng, tặng quà Tết…