Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, năm nay DN này dự kiến chi khoảng 900 tỷ đồng để thưởng công nhân, tăng hơn 250 tỷ đồng so với Tết trước. Nếu chia bình quân, với khoảng 62.500 công nhân, tính trung bình, mỗi người lao động tại doanh nghiệp này được thưởng Tết khoảng 14,4 triệu đồng (tương đương 1-2 tháng lương, cao nhất là 2,2 tháng đối với người có thâm niên). Theo vị này, trong 3 năm gần đây, ngành giày da phát triển tốt.
“Hầu hết DN trong lĩnh vực không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, đặc biệt thị trường Mỹ với đơn hàng tăng vọt”, ông Nghiệp nói. Ngoài thưởng tiền mặt, DN còn hỗ trợ 3.000 vé xe cho công nhân về quê.
Lạc quan về tình hình thưởng Tết của ngành da giày, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Nguyễn Đức Thuấn cho biết, dự kiến thưởng năm nay tăng 7-10% so với năm ngoái.
So với da giày, DN ngành dệt may tăng trưởng không như kỳ vọng, nên thưởng Tết cũng không có biến động lớn. Dù vậy, vì lương tối thiểu tăng, nên thưởng tính theo con số tuyệt đối tăng, nhưng chỉ khoảng 1 tháng lương như các năm trước. Tổng Giám đốc Cty CP May Nam Hà (Nam Định) Đoàn Tiến Dũng tiết lộ, năm 2019, dệt may tăng trưởng 7,55%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu đặt ra đầu năm.
“Năm nay, chúng tôi tăng trưởng chỉ 1 con số, nên thưởng Tết cũng bình quân 1 tháng lương như các năm trước, khoảng 6-7 triệu đồng/người, tăng 10% so với năm trước”, ông Dũng nói. Năm nay công ty kết hợp chia cổ tức cho người lao động (NLĐ) vào dịp Tết để giữ chân nhân lực. Tương tự, đại diện Cty CP May Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, năm nay đơn vị thưởng Tết bình quân 1,5 tháng lương, và 1 phần quà trị giá 3 triệu đồng.
Ông Lại Hoàng Dũng, Chủ tịch công đoàn Cty Samsung Việt Nam (Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết, mức thưởng Tết năm nay của DN là bình quân 1 tháng lương cho tất cả NLĐ. Tùy vào vị trí làm việc, NLĐ sẽ nhận được khoản thưởng, hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn, công nhân đứng dây chuyền bình quân được thưởng 5-6 triệu đồng/người; nhân viên phòng ban được 7-10 triệu đồng/người; còn quản lý, kỹ sư có thể được nhận thưởng hàng chục triệu đồng, theo mức lương đang hưởng. Ngoài ra, công ty điện tử lớn nhất nước này còn tặng NLĐ một phần quà trị giá 500.000 đồng, 1 áo khoác, công nhân ở xa sẽ được hỗ trợ vé xe.
Chưa nhận được báo cáo thưởng
Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các DN, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn báo cáo về tình hình lương năm 2019, thưởng Tết năm 2020. Tới nay sở chưa nhận được báo cáo của đơn vị nào. Dự kiến, trong tuần này các đơn vị mới gửi báo cáo về sở, khi đó sẽ có con số chi tiết. Ông Tuyên cho rằng, hoạt động sản xuất của DN cả năm vừa qua không có nhiều đột biến, nên thưởng Tết có lẽ chỉ quanh mức 1 tháng lương như các năm trước. Dù vậy, do lương tối thiểu tăng nên mức tiền thưởng thực tế có thể tăng chút ít.
Theo Trưởng phòng Lao động, Tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai) Cao Duy Thái, thưởng tết cho người lao động trên địa bàn tỉnh cũng chỉ quanh mức 1-1,5 tháng lương. Số DN thưởng hơn 1 tháng lương có thể tăng do thị trường ổn định và có tăng trưởng. Tết năm ngoái, ở Đồng Nai, DN thưởng cao nhất là hơn 400 triệu đồng.
Ông Thái không loại trừ sẽ còn một số DN không có thưởng, một số chỉ thưởng NLĐ bằng hiện vật do làm ăn khó khăn, tương tự như Tết năm trước. “Thưởng Tết bao nhiêu là quyền DN, luật cũng không bắt buộc. Mức thưởng và thời điểm trả tiền thưởng của DN phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và thoả ước lao động tập thể”, ông Thái nói.
Cũng theo vị này, DN không được phép giữ lương của NLĐ để bắt ép họ quay lại làm việc sau Tết. Tuy nhiên, với thưởng có thể sẽ có DN giữ lại một phần và trả sau Tết như một khoản mừng tuổi, khuyến khích NLĐ trở lại với DN. Điều này các năm qua thực tế đã có, do có nhiều NLĐ khi về quê ăn Tết đã nghỉ luôn, hoặc chuyển việc khiến một số DN gặp khó khăn khi trở lại sản xuất sau Tết.
Để “ngăn” DN giữ lương của NLĐ trái quy định, ông Phạm Văn Tuyên cho biết, Sở LĐ-TB&XH Bình Dương lên kế hoạch phối hợp với công đoàn cơ sở để nắm bắt tình hình lương thưởng của NLĐ. Từ đó sớm có giải pháp xử lý kịp thời các vấn để phát sinh như nợ, giữ lương, BHXH của NLĐ.
Không lấy lý do tăng lương để cắt thưởng
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, dù chưa có báo cáo, nhưng một số DN đã có phương án và quỹ thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch 2020. Có một số DN gộp chung thưởng Tết Dương lịch và Âm lịch, do 2 dịp chỉ cách nhau 3 tuần, như ở Đà Nẵng.
“Cơ bản mức thưởng Tết vẫn như mọi năm. Một số DN thực sự có bứt phá trong làm ăn có thể sẽ thưởng cao hơn”, ông Quảng nói. Theo vị này, chuyện thưởng Tết đã dần trở thành văn hoá DN, và mỗi cuối năm NLĐ đều mong chờ. Do vậy, chỉ những DN thật sự khó khăn mới không thưởng. Một số lĩnh vực dự kiến thưởng cao như tài chính, ngân hàng, DN tư vấn dịch vụ…
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vài năm gần đây năm nào lương tối thiểu cũng tăng, mức tăng cũng không quá cao, được thông báo trước, nên DN đều có chuẩn bị. Do đó, không thể lấy lý do tăng lương tối thiểu để cắt thưởng của NLĐ.
Dự kiến, năm nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, liên đoàn lao động các địa phương vẫn tiếp tục phối hợp với DN để tổ chức chương trình Tết cho NLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong các chương trình, sẽ có hàng nghìn vé tàu, xe miễn phí tặng NLĐ.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cơ bản năm nay các DN làm ăn có phần tốt lên, nên mức thưởng có thể tăng hơn chút. Tuy nhiên, sẽ khó xảy ra trường hợp thưởng tăng đột biến.
Dịp Tết năm 2019, theo số liệu thống kê của Bộ LÐ-TB&XH, thưởng Tết Dương lịch bình quân cả nước là 1,42 triệu đồng/người; thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi bình quân cả nước khoảng 1 tháng lương, tương đương 6,31 triệu đồng/người (tăng 11,4% so với Tết năm 2018). Trong đó, mức thưởng cao nhất cho một cá nhân là 1,17 tỷ đồng của một ngân hàng tại TPHCM.