Những bản án lương tâm
Trong số hàng nghìn phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam An Phước (xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) có trên 500 phụ nữ. Trong số này, không ít phạm nhân nữ có con dưới 5 tuổi đang phải theo mẹ. “Những đứa trẻ theo mẹ vào trại giam đa phần không có người thân bên ngoài hỗ trợ. Dù vậy, các bé được bố trí bảo mẫu chăm sóc, dạy học như những đứa trẻ bên ngoài”, Thượng tá Nguyễn Thành Hiếu, Phó Giám thị Trại giam An Phước, cho biết.
Trại giam An Phước bố trí nhà trẻ cho con của phạm nhân theo mẹ Ảnh: T.L |
Chúng tôi đến thăm lớp học đặc biệt dành cho con các nữ phạm nhân tại Phân trại 1, Trại giam An Phước. Hình ảnh những nữ phạm nhân dẫn con đi học tạo nên khung cảnh bình yên, ấm áp. Khoảng 20 đứa trẻ dưới 5 tuổi được trại giam bố trí ăn học tại khu nhà giữ trẻ.
Chị L.T.T.N (quê An Giang) nói rằng, nhờ có con gái bên cạnh nên cố gắng sống tốt, bớt suy nghĩ tiêu cực. “Vợ chồng cưới nhau được 3 năm thì tan vỡ. Cuộc sống khó khăn kèm sự căm phẫn với người chồng, có những lúc tôi muốn rời xa cuộc đời này. Cho đến một ngày, tôi quen bạn trai mới, dấn thân vào con đường mua bán ma túy và bị bắt, bị kết án đến 13 năm tù. Kể từ ngày bị bắt, tôi không muốn sống nữa nhưng nghĩ đến tương lai của con gái 3 tuổi, bản thân lại cố gắng”, chị N chia sẻ.
Tặng quà cho con nhỏ của các nữ phạm nhân Ảnh: T.L |
Nữ phạm nhân tự trách mình: “Tôi đã quá sai lầm khi dấn thân vào con đường phi pháp. Tôi đưa con vào đây, làm khổ bé. Tôi hận chính bản thân mình, nếu như lo làm ăn lương thiện thì đâu phải chịu cảnh như bây giờ”.
Hối hận vì đã phạm phải sai lầm, chịu án 20 năm tù, T.H.T. (30 tuổi, quê Lâm Đồng) kể: “Em từng là nữ sinh trường đại học ở TPHCM, chỉ vì hám lợi nên đã phạm tội vận chuyển ma túy theo đường hàng không từ nước ngoài về Việt Nam. Ngày bị bắt, em tưởng như không gượng dậy được nữa nhưng được sự quan tâm giúp đỡ, giáo dục của cán bộ, em dần lấy lại được cân bằng và quyết tâm cải tạo tốt để chờ ngày trở về. 3 năm trôi qua với bao dằn vặt lương tâm đã giúp em rút ra nhiều bài học cho cuộc đời mình”.
Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương cho biết, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, đơn vị hỗ trợ 100 phạm nhân nữ với tổng trị giá 50 triệu đồng, trao 1 phần quà trị giá 2 triệu đồng cho phạm nhân không liên lạc được với gia đình; trao 8 phần quà và 40 triệu đồng tiền mặt cho 8 trẻ là con của phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn theo mẹ vào trại.
“Ai cũng có lúc phạm phải sai lầm nhưng cái sai của tôi thật khó tha thứ. Dấn thân vào con đường mua bán ma túy, khi ấy tôi nghĩ là vì con, nhưng đó là sai lầm lớn nhất của tôi. Ở trong trại giam 2 năm, tôi nhận ra rằng, điều con cái mong muốn nhất là được gần cha mẹ”, nữ phạm nhân H.N.Q.T. (40 tuổi, có con trai hơn 3 tuổi trong Trại giam An Phước) bộc bạch.
Không bỏ ai lại phía sau
Trung tá Đặng Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại giam An Phước, cho biết tổng số nữ cán bộ, hội viên của trại hiện nay là 64 chị, được chia thành 3 chi hội. Các chi hội tham gia nhiều phần việc cụ thể để giúp nữ phạm nhân, con theo mẹ vào trại. Cán bộ, hội viên còn quyên góp tiền để mua sữa, bánh kẹo... cho các bé.
Theo bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Dương, các cơ sở hội luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ phạm nhân sau khi thi hành án để giúp đỡ họ học nghề, được vay vốn. Đối với nữ phạm nhân lớn tuổi và trẻ tuổi, khi trở về, họ còn gia đình hay không, họ sẽ sống thế nào, việc làm ra sao… là những điều các ban, ngành, địa phương cần phải chung tay.
“Kể từ năm 2021, chúng tôi ký kết hợp tác với trại giam để phối hợp hỗ trợ các nữ phạm nhân với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, “không bỏ ai lại phía sau”. Toàn tỉnh có hơn 500 chi hội phụ nữ, trong đó có hơn 800 chi hội nhà trọ, 79 chi hội ngoài Nhà nước, hơn 3.000 tổ phụ nữ. Đó là mái nhà chung, là cánh tay yêu thương để đón các nữ phạm nhân sau khi mãn hạn tù”, bà Nga nói.