Sáng 8/12, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã khai mạc Kỳ họp thứ tư.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thanh Hóa nghe, cho ý kiến, thảo luận về các báo cáo, tờ trình như: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022; Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVIII; Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh khoá XVIII; Báo cáo của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát năm 2021; Báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh về công tác xét xử, thi hành án hình sự năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện quản lý Nhà nước về cấp thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay.
Kỳ họp sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các nội dung về: Thực trạng và giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động mất việc làm trở về địa phương do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch để thích ứng với phòng chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Thực trạng, nguyên nhân, giải pháp để tập trung chỉ đạo giải quyết dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Giải pháp để tạo thuận lợi cho người dân và phát huy hiệu quả các cảng cá, bến cá đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng sẽ xem xét quyết định 37 tờ trình của UBND tỉnh về những vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính- ngân sách, đất đai, biên chế, các cơ chế, chính sách, chủ trương đầu tư các dự án…; các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; bầu bổ sung Phó Trưởng ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, dịch bệnh gia súc, gia cầm... với sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều điểm sáng và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Có 20/25 chỉ tiêu chủ yếu năm 2021 được HĐND tỉnh quyết nghị đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
Theo kế hoạch, kỳ họp diễn ra từ ngày 8-10/12/2021.
Dịch bệnh bủa vây, Đắk Lắk vẫn thu ngân sách vượt kế hoạch
Sáng 8/12, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X khai mạc kỳ họp thứ 3 để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Theo báo cáo tại kỳ họp, kết thúc năm 2021, Đắk Lắk có 8 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá (tăng 5% so với cùng kỳ năm trước); thu ngân sách và huy động vốn đầu tư toàn xã hội vượt kế hoạch đề ra, ước thu đạt 8.150 tỷ đồng (tăng 10% so với dự toán HĐND tỉnh giao); ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng khá, sản lượng lương thực vượt kế hoạch hơn 25%; công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được quan tâm thực hiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: Có 6 chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch nhưng chỉ số thành phần đạt thấp; 2 chỉ tiêu về giá trị tổng sản phẩm xã hội, kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình trạng vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản vẫn còn xảy ra; công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số địa phương còn lúng túng, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao...
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 3 của HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X |
Ông Y Vinh Tơr - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngoài tác động nặng nề của dịch COVID 19, vẫn còn nguyên nhân khách quan khiến các mục tiêu phát triển kinh tế trong năm qua chưa đạt theo kế hoạch.
Theo ông Y Vinh Tơr, kỳ họp lần này sẽ đi sâu phân tích, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế do nguyên nhân chủ quan trong cả khâu dự báo, công tác chỉ đạo, điều hành, tham mưu tổ chức thực hiện, công tác phối hợp gắn với trách nhiệm từng cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu.
Kỳ họp diễn ra trong 3 ngày (từ sáng 8/12). Theo chương trình, kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng trong thời gian tới.
Đắk Lắk quyết đưa Buôn Ma Thuột thành đô thị thông minh
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định số 3330 về Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh này, xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo kế hoạch này, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; chỉ số chuyển đổi số của tỉnh trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố.
Cũng theo kế hoạch, Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2030, 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Đến năm 2030, tỉnh này quyết tâm hoàn thiện nền tảng các dịch vụ đô thị thông minh đã triển khai tại thành phố Buôn Ma Thuột. Qua đó, tổ chức triển khai nhân rộng cho các đô thị của tỉnh đủ điều kiện.