Hội chợ việc làm 2015 do Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức, là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường kỹ năng nghề do Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ. Tham gia Hội chợ việc làm có hơn 1.000 sinh viên theo học tại các trường dạy nghề phía Bắc cùng hơn 20 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Một trong những hoạt động chính được tổ chức trong Hội chợ việc làm 2015 là hàng nghìn học viên, sinh viên sẽ được tham quan triển lãm tại các gian hàng của doanh nghiệp, lắng nghe doanh nghiệp giới thiệu về ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ lưu hồ sơ học viên để tuyển dụng khi có nhu cầu. Đây là một hoạt động chính đưa doanh nghiệp đến gần hơn với môi trường đào tạo và các học viên, không những giải quyết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và còn mở ra những cánh cửa cho các học viên đang theo học tại các trường dạy nghề có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.
TS. Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Hội chợ việc làm 2015 được tổ chức sẽ là cầu nối giữa nhà trường, học viên học nghề và doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, việc tìm kiếm ngành nghề theo học cũng như việc làm sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề đang là những vấn đề đáng quan tâm của các học viên và phụ huynh. Hội chợ việc làm sẽ là cơ hội tốt để các học viên tiếp xúc với nhà tuyển dụng để lắng nghe những yêu cầu và rèn luyện các kỹ năng về nghề cần có, cũng từ đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận được nguồn lao động có đào tạo bài bản từ các trường chuyên nghiệp”.
Người thợ trẻ giỏi toàn quốc Nguyễn Duy Đoàn: Từng đứng giữa lựa chọn học đại học và học nghề:
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Duy Đoàn (25 tuổi, Hà Nam), người từng đạt danh hiệu Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2013 thì sau 2 năm tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, hiện anh vẫn đang làm tốt công việc của mình với mức thu nhập trên 10 triệu đồng hằng tháng. Đặc biệt, câu chuyện ít ai biết đến là trước khi chọn đi học nghề, Duy Đoàn từng đỗ vào một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội nhưng anh vẫn quyết định chọn đi học nghề Lập trình máy tính. “Mình nghĩ học đại học hay học nghề không phải là điều quá quan trọng. Điều quan trọng nhất chính là niềm yêu thích đối với nghề nghiệp mình đã lựa chọn và học tập, rèn luyện những kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp đó. Dù là một người thợ, thì một người thợ với tay nghề vững sẽ có tương lai hơn là cầm được một tấm bằng cử nhân nhưng không say mê với công việc” - anh Nguyễn Duy Đoàn chia sẻ thêm.