Học viện HAGL-Arsenal tốn bao nhiêu tiền của bầu Đức?

Học viện HAGL-Arsenal tốn bao nhiêu tiền của bầu Đức?
Sau thành công của U19 Việt Nam, rất nhiều lời khen ngợi đã dành cho lò luyện cầu thủ “gà nòi” của ông chủ HAGL. Nhưng chuyện bầu Đức tốn bao nhiêu tiền hằng năm cho lò luyện này, lại là điều bí mật.
Học viện HAGL-Arsenal tốn bao nhiêu tiền của bầu Đức? ảnh 1

Thành công của U19 Việt Nam ở 2 giải đấu liên tiếp là U19 Đông Nam Á và vòng loại U19 châu Á đã khiến Học viện HAGL-Arsenal JMG của bầu Đức trở nên nổi tiếng.

Chưa đến 50 tỷ đồng/năm cho bóng đá

Một tiết lộ có phần gây “sốc” từ chính người trong cuộc của HAGL là hằng năm bầu Đức chưa bao giờ tốn quá 50 tỷ đồng để nuôi bóng đá. Chính xác ở mùa giải 2012, tổng kết hết các chi phí cho bóng đá mà bầu Đức bỏ ra chỉ tròm trèm gần 48 tỷ đồng.

Đó là chi phí để nuôi 4 đội gồm: đội lớn HAGL dự V.League và 2 khóa Học viện Arsenal JMG và 1 lớp tuyến trẻ U19 được tập trung.

Dự kiến trong năm 2013, nếu quyết toán thì bầu Đức cũng chi tầm 49,5 tỷ chứ chưa đến 50 tỷ đồng. Nắm rõ con số tài chính bóng đá của bầu Đức không ai khác là GĐĐH Huỳnh Mau-người được coi là “tổng quản” của trung tâm Hàm Rồng.

50 tỷ đồng/năm để nuôi một lúc đến 4 đội bóng nói ra có lẽ ít người tin vì hiện tại ở V.League có nhiều CLB chỉ nuôi một đội bóng dự V.League mà hằng năm đã ngốn của ông bầu ngót nghét 60-70 tỷ đồng, thậm chí là cả 100 tỷ đồng như B.Bình Dương hay XMXT.Sài Gòn như chính lời thừa nhận của bầu Thụy.

Trong gần 50 tỷ đồng của bầu Đức để nuôi bóng đá, số tiền dùng cho đội lớn HAGL dự V.League đã chiếm đến 70% bao gồm những khoản “nặng” nhất là tiền lương, lót tay, tiền thưởng và tiền ăn ở di chuyển khi thi đấu.

Tuy nhiên, tiền lương cảu cầu thủ nội HAGL loại A hiện tại không có người nào vượt quá 25 triệu đồng/tháng. Lương cầu thủ ngoại thì cao thấp khác nhau nhưng “kịch kim” là Oseni cũng vào khoảng 9.000 USD/tháng.

Do vậy, tiền đầu tư cho đào tạo trẻ với 3 tuyến hiện tại hằng năm chỉ tốn của bầu Đức khoảng 15 tỷ đồng.

Ăn thua là tính kiên nhẫn

Đây chỉ là con số tiền hằng năm bỏ ra để nuôi các cầu thủ trẻ chứ chưa tính tiền đầu tư cho cơ sở vất chất như xây khu nhà ở và các sân bóng.

Tuy nhiên, trước khi mở Học viện HAGL Arsenal JMG vào năm 2007 thì bầu Đức đã xây dựng Trung tâm Hàm Rồng. Khi mở học viện thì trung tâm này xây thêm 3 dãy nhà mới và 2 sân tập nhưng số tiền đầu tư cũng không quá lớn.

Thuận lợi của bầu Đức khi mở Học viện cũng chính là nhờ cơ sở vật chất có sẵn nên tiết kiệm cho ông một khoản tiền lớn. Ví dụ tiền ăn hằng ngày nếu ở CLB tại TP.HCM hay Hà Nội thì phải mất tới 200.000 đồng/1 cầu thủ/ngày do phải đặt người khác nấu. Trong khi ở Hàm Rồng với chất lượng bữa ăn tương đương, tiền ăn chỉ vào khoảng 120.000 đồng/1 cầu thủ/ngày.

“Tiền ăn, tiền ở chúng tôi đều tiết kiệm chi phí đến 1/4 so với các đội bóng khác phải đi thuê mướn. Chúng tôi chỉ tốn nhất là tiền lương, thưởng cho cầu thủ và tiền ăn ở, vé máy bay khi đội 1 thi đấu ở xa.

Tiền để nuôi cầu thủ trẻ ở Học viện thì nói thật cũng như các địa phương khác nuôi cầu thủ năng khiếu vậy thôi, có tốn hơn thì cũng chút đỉnh chứ không khác biệt gì lớn”, ông Huỳnh Mau tiết lộ trong một lần dẫn Học viện HGL Arsenal JMG ra Hà Nội xem trận ĐTVN-Arsenal hồi tháng 7 vừa qua.

Dĩ nhiên, để mở một lò đào tạo gắn tên tuổi quốc tế như Arsenal thì trong đó còn có một khoản chi phí nhượng quyền thương hiệu nào đó được giữ bí mật nhưng có thể khẳng định rằng số tiền mà bầu Đức bỏ ra suốt 7 năm mở lò đào tạo cũng tương đương tiền nuôi đội lớn HAGL trong 2 năm.

Ở thời mới nhảy vào làm bóng đá những năm 2001-2005 mới là giai đoạn bầu Đức bạo chi nhất chứ chuyện mở học viện HAGL Arsenl JMG lại “rẻ” hơn rất nhiều.

Vấn đề ở chỗ đầu tư cho bóng đá trẻ thì phải kiên nhẫn, trong khi nhìn thực tế của các doanh nghiệp nhảy vào đầu tư cho bóng đá suốt 1 thập niên qua thì tư duy ăn xổi vẫn chủ đạo. Bởi vây, đầu tư cho bóng đá trẻ rất rẻ nhưng không mấy ai chịu làm là vì thế!

Theo Thể thao 24h

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG