Chị Võ Thị Thu Hà, nhân viên thuyết minh Khu di tích nhà tù Phú Quốc kể: “Vào năm 1967 đến năm 1973, Mỹ - Ngụy đã xây dựng trại giam tại thị trấn An Thới (Phú Quốc) rộng khoảng 5km vuông, phân chia thành 12 khu giam, hơn 500 căn nhà bằng tôn thép để giam giữ tù binh. Đợt cao điểm, số tù binh giam giữ tại đây hơn 40.000 người. Trong vòng 6 năm, đã có hơn 4 nghìn người trong số đó bị giết hại. Đến nay, mới chỉ tìm được gần 3.000 hài cốt liệt sĩ”.
Đến lúc tham quan, giới thiệu những cực hình tra tấn trong nhà tù, nhiều thí sinh sợ hãi không dám vào. Nhiều thí sinh nhăn mặt, níu tay, đứng sát vào nhau để bớt sợ. Tiếng thuyết minh lúc trầm, lúc bổng cộng với hình ảnh trực quan trong không gian thiếu sáng khiến nhiều người rùng mình khi tưởng tượng về những cực hình ghê rợn trong nhà tù Phú Quốc.
Những cuộc đấu tranh dũng cảm trong nhà tù, hay sự mưu trí trong những cuộc vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng mang đến nhiều cảm xúc… “Đây là những hành vi tra tấn có thật. Đến nay vẫn còn nhiều nhân chứng sống từng bị hành hạ bởi những đòn dã man này”, chị Hà thuyết minh thêm.
Thí sinh Đỗ Trần Khánh Ngân cho biết, mỗi lần nghe hướng dẫn viên mô tả lại các hành vi tra tấn dã man trong nhà tù là cô lại nổi da gà. Ngân xúc động với nỗi đau của thế hệ ông cha ngày xưa bị giam giữ trong tù: “Em từng tìm hiểu qua sách báo nhưng đến đây mới thấy thấm thía”.
Ngân bảo, đọc qua sách báo cũng biết nhiều thông tin, nhưng không hình dung được sự dã man như những gì Ngân tận thấy. “Qua lời kể, em hình dung được khung cảnh ngày xưa, cũng cảm nhận và khâm phục sự kiên trung, dũng cảm của thế hệ ông, cha”, Ngân nói. Theo Ngân, cuộc sống của những bạn trẻ như cô đang rất êm đềm. “Đến đây, được nghe những câu chuyện thế này, em mới thấy quý trọng cuộc sống hiện tại, biết ơn những thế hệ đi trước”.
Võ Hoàng Phương Xuyến cũng có chung cảm giác như Khánh Ngân. Phương Xuyến cho biết, trong gia đình có người thân ngày xưa tham gia kháng chiến, nên thấu hiểu được nỗi khổ cực, vất vả và sự anh dũng, kiên trung của những chiến sĩ cách mạng.
Trước những bức tượng mô phỏng hành vi tra tấn của quân thù, Phạm Thị Mỹ Hạnh đứng bần thần. Hạnh chia sẻ vì sợ quá nên không biết nói gì. “Nghe giới thiệu, em lạnh hết sống lưng. Những người từng trải qua những cực hình này vẫn kiên trung bất khuất quả là kỳ diệu”, Hạnh nói.
Trước khi kết thúc chuyến thăm khu di tích, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2014 nhắn nhủ: “Hôm trước, các bạn đã đến thắp hương nghĩa trang liệt sĩ trên đảo Phú Quốc. Hôm nay chúng ta đến đây, trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc – một nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian, để nghe, để thấy, để cảm nhận tinh thần chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh, để các bạn có những cảm xúc và bài học cho riêng mình”.
THÔNG TIN CUỘC THI HOA HẬU VIỆT NAM 2014
Website: http://hoahau.tienphong.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/hhvn2014