Học theo y bác sĩ tuyến đầu cạo trọc tóc, chàng phóng viên nhận biểu cảm bất ngờ từ bố mẹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mới đây, câu chuyện về chàng phóng viên trẻ cạo trọc đầu để thuận tiện cho việc tác nghiệp đã nhận được nhiều lượt yêu thích từ cộng đồng mạng, đặc biệt là cảm xúc của bố mẹ anh khi con trai gọi điện thông báo về diện mạo mới của mình.
Học theo y bác sĩ tuyến đầu cạo trọc tóc, chàng phóng viên nhận biểu cảm bất ngờ từ bố mẹ ảnh 1

Hoàng Đạt chia sẻ biểu cảm "khó đỡ" lên mạng xã hội và nhận được nhiều lượt tương tác từ cư dân mạng.

Học theo các anh chị y bác sĩ tuyến đầu "cạo trọc"

Hoàng Tiến Đạt (sinh năm 1999, quê ở Nghệ An) hiện là phóng viên. Thực hiện Chỉ thị 16, thủ đô Hà Nội đang trong những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Do đó, Đạt không thể cắt tóc tại các cửa hàng.

Chia sẻ với Tiền Phong, cậu bạn cho biết: “Tóc mình đã khá dài so với bình thường. Vốn dĩ sẽ không phải vấn đề nếu mình không phải mặc bộ đồ bảo hộ lúc tác nghiệp. Sau một vài lần đưa tin tại các điểm dịch nóng và phải mặc đồ bảo hộ, mình đã thấy hạn chế của việc để tóc dài, gây nóng, bí, không thoát được mồ hôi. Vậy nên mình đã quyết định cạo gần như sát nhất có thể để thuận tiện trong công việc.

Khi cạo xong cũng hơi bất ngờ vì từ trước đến nay mình luôn để tóc dài. Thế nhưng quá trình làm tác nghiệp đã chứng minh việc mình cắt tóc là đúng. Mình cũng không quá để ý đến bề ngoài nữa. Miễn sao thuận tiện nhất cho công việc là được”.

Trước đó, Hoàng Đạt đã thử thăm dò ý kiến bố mẹ nếu “cạo đầu”, thế nhưng bố mẹ anh chàng có vẻ không đồng ý lắm. “Lần gần đây nhất mình về quê là đầu tháng 4, đến nay cũng gần 5 tháng rồi chưa về thăm bố mẹ. Trước đây gần như tháng nào mình cũng về, nhưng bây giờ vì tình hình dịch bệnh phức tạp, nên đành gác lại nỗi nhớ gia đình.

Sau khi cắt tóc xong, mình gọi điện cho bố mẹ. Mình đưa sát điện thoại vào mặt, nói chuyện một lúc mới đưa ra xa, và khi đấy bố mẹ rất bất ngờ về tóc của mình. Bố mẹ chỉ kêu ối giời ơi rồi đưa tay lên ôm đầu cười, khoảnh khắc đó mình đã chụp lại màn hình để làm kỷ niệm”, Đạt nói.

Chỉ sau vài giờ đăng tải với mục đích đơn giản là khoe với mọi người về biểu cảm bất ngờ của bố mẹ trong một hội nhóm, Hoàng Đạt đã nhận được gần 14.000 lượt yêu thích và nhiều bình luận bày tỏ sự khen ngợi, đồng cảm từ cư dân mạng.

Không sợ bị chê về diện mạo mới, chàng trai tâm sự: “Mình cạo đầu cũng là học theo các anh chị bác sĩ, y tá trong các bệnh viện. Mình cũng xem đây như một cách để chia sẻ, đồng cảm cùng lực lượng y tế. Hiện các lực lượng tuyến đầu trong giai đoạn này đã phải hy sinh bản thân rất nhiều, vì vậy mong các bạn cùng chung tay, xin hãy ở nhà để giảm bớt áp lực cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch”.

Học theo y bác sĩ tuyến đầu cạo trọc tóc, chàng phóng viên nhận biểu cảm bất ngờ từ bố mẹ ảnh 2

Diện mạo mới của Hoàng Đạt.

Học theo y bác sĩ tuyến đầu cạo trọc tóc, chàng phóng viên nhận biểu cảm bất ngờ từ bố mẹ ảnh 3

Trước đó, do tóc đã hơi dài nên gây nóng bức khi mặc đồ bảo hộ.

Cứ mặc đồ bảo hộ là lại thấy “thương”

Với công việc là một phóng viên vùng dịch, phải mặc bộ đồ “xông hơi di động” thường xuyên, Hoàng Đạt gói trọn cảm xúc trong một chữ “Thương". Bởi khi mặc, sự nóng bức không thể giải tỏa bằng bất kỳ cách nào. Người mặc chỉ có thể cố gắng để hoàn thành tốt công việc trong bộ đồ này. Vậy nên anh rất thương những người thường phải mặc bộ đồ đó nhiều hơn mình như lực lượng y tế, hậu cần, lái xe… hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với F0, F1.

So với nhiều anh chị đồng nghiệp khác, Hoàng Đạt còn khá trẻ tuổi, lại chưa có gia đình, ở trọ một mình nên không bị vướng bận bất kỳ vấn đề gì trong quá trình tác nghiệp.

“Dù biết rằng trước hết mình đi làm phải đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, nhưng lỡ trường hợp xấu nhất, nếu không may bị lây nhiễm thì mình ở một mình nên cũng sẽ không ảnh hưởng tới gia đình, vợ con như nhiều anh chị khác. Thế nên mình có tâm lý rất thoải mái để vào các vùng dịch tác nghiệp.

Với tâm lý thoải mái đó, anh cũng chia sẻ những câu chuyện nhỏ trong quá trình tác nghiệp lên trang cá nhân, và nhận được nhiều sự chia sẻ từ bạn bè đồng nghiệp.

“- Âm rồi em ạ!”

Đều đặn cứ một hai ngày, mình lại nhận được tin nhắn từ anh Lâm - biên tập của ekip. Những lúc như vậy, mình biết rằng không chỉ có 1 tiếng thở phào, mà ở những nơi khác cũng có 2 người sẽ thở phào theo.

3 anh em, 2 người đã có vợ con, 1 người sống với bố mẹ lớn tuổi, thế nên, việc đi làm tin bài, tiếp xúc với bao đối tượng giữa mùa dịch là một băn khoăn, lo lắng bởi “mình có nhiễm cũng chẳng sao, nhưng còn gia đình…” Thế mà chỉ cần cầm máy lên là bao suy tư lại hạ xuống, nhường chỗ cho công việc, đam mê và trách nhiệm.

Ngày được cấp một hộp test nhanh, anh em vui như mở hội. Thế nhưng vì số lượng có hạn, nên quyết định sẽ “test đại diện”. Người giao tiếp nhiều nhất, đi lại nhiều nhất sẽ là người chịu trách nhiệm test và báo kết quả cho cả nhóm. Và sau khoảng 30 phút đứng trước cửa nhà, chờ test nhanh hiện lên âm tính, anh Lâm sẽ nhắn vội tin nhắn trên kia. Rồi mới dám lên nhà vỗ về đứa con đang mếu máo đòi bố.

Thế nhưng, những khó khăn, vất vả của anh em cũng không thể nào so sánh được với các lực lượng khác đang ngày đêm căng mình chống dịch, đảm bảo mục tiêu kép, sớm đưa xã hội trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Học theo y bác sĩ tuyến đầu cạo trọc tóc, chàng phóng viên nhận biểu cảm bất ngờ từ bố mẹ ảnh 4

Hình ảnh Hoàng Đạt tác nghiệp tại khu phong tỏa.

Hầu như ngày nào Đạt cũng đi làm. Bên cạnh những tin thời sự về tình hình dịch bệnh, anh còn làm các tuyến bài cổ vũ cho các lực lượng phòng chống dịch. Qua những tác phẩm báo chí, Hoàng Đạt mong muốn mọi người dù ở nhà vẫn có thể nắm bắt được các thông tin xã hội, đặc biệt là thấu hiểu hơn sự cố gắng, nỗ lực của các lực lượng chức năng trong những ngày tháng giãn cách.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...