Học sinh 'tụt' năng lực nếu chỉ được học qua sách vở

Các vị khách mời chia sẻ tại buổi tọa đàm “Hoạt động trải nghiệm trong nhà trường phổ thông”.
Các vị khách mời chia sẻ tại buổi tọa đàm “Hoạt động trải nghiệm trong nhà trường phổ thông”.
TPO - “Chừng nào chúng ta còn dạy học qua sách vở, chỉ học sinh làm bài tập qua sách vở thì rất khó để học sinh hình thành năng lực thực tiễn”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp nói.

Ngày 12/9, tại Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm tổ chức toạ đàm “Hoạt động trải nghiệm trong nhà trường phổ thông”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp– Giảng viên cao cấp Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, kiến thức không phải là kết quả quan trọng nhất mà giáo dục mang lại học sinh. Học sinh có thể thu nhận kiến thức qua nhiều kênh như truyền hình, đọc sách, phụ huynh…, chứ không nhất thiết phải là giáo viên dạy dỗ.

Ông Hợp nêu rõ, kết quả giáo dục không quan trọng bằng quá trình học sinh tiếp nhận, vận dụng kiến thức. Sứ mệnh của giáo dục là cần phát hiện điểm nổi bật, trí thông minh của học sinh để phát triển hơn, thể hiện được năng lực ở mọi nơi mọi lúc; đồng thời mang lại hạnh phúc cho học sinh khi đến trường, được thể hiện khả năng bản thân và được giao lưu với thầy cô, bạn bè.

”Sứ mệnh của giáo dục là giúp mỗi học sinh phải trở nên thông minh và hạnh phúc. Thông qua giáo dục, phải phát hiện ra khả năng của trẻ ở từng lĩnh vực, giúp trẻ thể hiện năng lực của mình ở mọi nơi, mọi lúc". 

PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp

Theo ông Hợp, hãy để hệ thống hoạt động trải nghiệm tạo thành một cuộc hành trình với những điều mới lạ và những kỷ niệm vui trên con đường học trò của các em, giúp các em phát triển tư duy, trở nên thông minh, hình thành các năng lực khác nhau trong thực tiễn cuộc sống, phát huy năng lực quan sát, óc tưởng tượng và sáng tạo của học sinh.

 “Chừng nào chúng ta còn dạy học qua sách vở, chỉ học sinh làm bài tập qua sách vở thì rất khó để học sinh hình thành năng lực thực tiễn”, ông Hợp nhấn mạnh.

Theo Giảng viên Nguyễn Quốc Vương - Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Lịch sử, ĐH Kanazawa (Nhật Bản), để giáo dục trải nghiệm hiệu quả cần phải xác định rõ ràng kế hoạch, ý nghĩa và mục tiêu rõ ràng.

Ông Vương ví dụ một hoạt động trải nghiệm trong giáo dục ở Nhật, giáo viên cho học sinh ra sông đo đạc lượng nước và biết người dân dùng bao nhiêu nước. Nhìn bề ngoài không có ý nghĩa gì, nhưng sâu xa họ hướng học sinh hiểu rõ nước có vai trò như thế nào đối với đời sống con người, nếu nguồn nước bị ô nhiễm hay con sông mất đi sẽ ảnh hưởng như thế nào...?  

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, cũng ra mắt bộ sách “Hoạt động trải nghiệm” gồm 10 quyển giúp học sinh khám phá, cảm nhận những điều mới mẻ và thú vị trong cuộc sống xung quanh. Bộ sách được biên soạn theo định hướng xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD&ĐT thông qua tháng 7 mới đây.

MỚI - NÓNG