Học hay làm tiến sĩ - Bài cuối: Câu thần chú 'đúng quy trình'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nếu thẩm định lại hay kiểm tra lại các luận án tiến sĩ đang dậy sóng dư luận vẫn sẽ có câu thần chú làm tấm khiên che chở là: “đúng quy trình”. Dường như thanh bảo kiếm mà Bộ GD&ĐT nắm trong tay đang bị vô hiệu hóa.

Chỉ để trấn an dư luận

Theo GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, bản thân ông từng đánh trượt một số nghiên cứu sinh vì luận án tiến sĩ không đáp ứng được yêu cầu. PGS.TS Bùi Xuân Đính, chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học và lịch sử địa phương đã từng đánh đổ một chuyên đề của nghiên cứu sinh vì không đảm bảo chất lượng.

Học hay làm tiến sĩ - Bài cuối: Câu thần chú 'đúng quy trình' ảnh 1

Hội đồng thẩm duyệt Luận án tiến sĩ. Ảnh: minh họa

Học hay làm tiến sĩ - Bài cuối: Câu thần chú 'đúng quy trình' ảnh 2

Ngoài ra năm 2017 ông Đính được mời thẩm định một luận án tiến sĩ. Ông có ghi ý kiến là: “luận án không đáp ứng được yêu cầu của một luận án tiến sĩ vì có rất nhiều lỗi nghiêm trọng như chép của nhiều người khác với dung lượng trang không phải là ít, nhưng không trích dẫn; nội dung các chương không phù hợp và không phản ánh được mục đích và yêu cầu đặt ra; phần chính của luận án chiếm dung lượng rất khiêm tốn; luận án không có những đóng góp mới đối với chuyên ngành; trình bày sai quy cách, nhiều lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật…”. Cuối bản nhận xét, ông còn ghi thêm lời đề nghị xem lại trách nhiệm của các hội đồng bảo vệ cấp cơ sở và cấp chính thức, nhất là của những người phản biện, đặc biệt là người phản biện độc lập… Tuy nhiên, sau lần thẩm định này, PGS.TS Bùi Xuân Đính không được mời tham gia lần nào nữa.

Mặc dù vậy, ghi nhận cho thấy, số lượng nghiên cứu sinh bị đánh trượt khi bảo vệ luận án tiến sĩ rất hạn hữu. Nguyên nhân được các chuyên gia nhận định do cộng đồng nghiên cứu khoa học của Việt Nam rất ít. Những người “trong ngành” chỉ cần đọc tên đề tài có thể sẽ biết được ai là người hướng dẫn, ai là người sẽ ngồi hội đồng. Chính vì vậy nên mới có tình trạng nể nang, “nhìn trước nhìn sau” khi đánh giá một luận án của nghiên cứu sinh.

“Nếu chúng ta trọng dụng đúng nhân tài thì người học bằng cấp rởm sẽ bị tẩy chay và dần loại bỏ tiêu cực bằng thật, học giả, chạy theo hư danh. Từ đó không làm ảnh hưởng đến danh tiếng tầng lớp tri thức, những người làm nghiên cứu khoa học thực sự”.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN

Bên cạnh đó, bằng tiến sĩ đang mang đến rất nhiều lợi ích cho nghiên cứu sinh và người hướng dẫn. Không chỉ có giá trị trong việc tuyển dụng công chức viên chức, nó còn có vai trò là tiêu chuẩn điều kiện để được công nhận xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy đua học tiến sĩ như thời gian vừa qua. Trong đó, nhiều ngành, nhiều trường đang thiếu giảng viên có học vị tiến sĩ do nâng chuẩn trình độ hoặc mở ngành mới nên số lượng người đi học tiến sĩ tăng lên nhằm đáp ứng yêu cầu của trường, ngành học. Một bộ phận không nhỏ nhà quản lý vẫn có tâm lý trọng bằng cấp, trong đánh giá sử dụng nhân viên vẫn coi trọng bằng cấp nhiều hơn là kinh nghiệm, kỹ năng, đặc biệt là các cơ quan công lập.

Trong khi đó, việc thẩm định lại các luận án tiến sĩ được dư luận phản ánh là vấn đề khó. Dù Bộ GD&ĐT có thẩm định, thanh tra lại các đề tài nghiên cứu nhưng chưa từng có trong tiền lệ một tiến sĩ nào bị thu hồi bằng. Nguyên nhân là bởi họ đã được hội đồng các nhà khoa học thẩm định, thông qua theo đúng quy trình do Bộ GD&ĐT quy định thì khó có đủ cơ sở thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp. Trách nhiệm ở đây thuộc về người hướng dẫn và hội đồng nghiệm thu đề tài. Ngoài yếu tố về học thuật, việc thanh tra lại các đề tài cần dựa trên nhiều yếu tố về quá trình nghiên cứu, hội đồng đánh giá…

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng các hội đồng xét duyệt cũng như bản thân những người xét duyệt cần nghiêm túc nghiêm minh, không duyệt tên đề tài quá hẹp, không đủ tầm luận án tiến sĩ gây nên dư luận xã hội như thời gian vừa qua. Bộ GD&ĐT sẽ thành lập hội đồng thẩm định lại những luận án mà dư luận cho là có vấn đề. Nhưng đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc thẩm định lại là cần thiết, tuy nhiên điều này chỉ mang ý nghĩa “trấn an dư luận, đối phó”.

Bởi công tác thẩm định vẫn được Bộ GD&ĐT làm thường xuyên, theo kế hoạch hằng năm với một tỉ lệ nhất định đối với các luận án được bảo vệ thành công. Nhưng dường như Bộ không phát hiện được bất thường hoặc do xác suất ngẫu nhiên những luận án được thẩm định đều là luận án tốt, còn các luận án dư luận phản ánh bị “lọt lưới”. “Điều này rất khó tin khi năm nào cũng thẩm định không phát hiện bất thường nhưng khi dư luận lên tiếng lại thẩm định”, bà Nga nói và băn khoăn đây mới là những luận án dư luận lên tiếng, còn rất nhiều luận án khác mà công chúng chưa tiếp cận được thì chất lượng ra sao. Từ thực tế đặt ra, bà Nga cho rằng Bộ GD&ĐT cần có giải pháp chấn chỉnh sao cho có sự nghiêm túc thật sự trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, còn việc thẩm định chỉ là “giải pháp tình thế”.

Lọc từ chính đơn vị sử dụng lao động

Bằng tiến sĩ giấy vẫn có đất dụng võ là do một số chính sách nhân sự chưa đúng. Theo quy luật của thị trường lao động, bộ lọc phải nằm ở khâu sử dụng. Nếu công việc không liên quan đến nghiên cứu hay học thuật thì có bằng tiến sĩ hay không cũng không quan trọng, như vậy sẽ giảm bớt được “nạn” bằng cấp. GS Ngô Việt Trung nhấn mạnh thêm vấn đề ở đây là đầu ra thấp sẽ tạo điều kiện cho những người háo danh ở các cơ quan quản lý nhà nước gắn mác tiến sĩ, nhất là khi nhiều cơ quan có những quy định chuẩn hoá tiến sĩ cho các vị trí quản lý không cần đến khả năng nghiên cứu sáng tạo. Những người này sẽ tìm đến những “lò ấp” tiến sĩ để có được tấm bằng. Chính chuẩn đầu ra thấp đã hợp thức hoá việc đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở này.

Về phía cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, tăng sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo tiến sĩ trên tinh thần tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo.

Trong các trường hợp cụ thể như báo chí nêu những ngày qua, trước hết đó là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án. Trong đó trách nhiệm lớn nhất đối với một luận án cụ thể là người hướng dẫn.

MỚI - NÓNG