Chị cho biết, từ đầu năm nay, tình hình buôn bán ở chợ ế ẩm. Những mặt hàng không thiết yếu như quần áo, giày dép, túi xách… tuột dốc thê thảm, có giai đoạn giảm rất sâu.
Chị Thái Trang đã tìm nhiều cách nhưng vẫn không đẩy doanh thu lên được, trong khi chi phí đầu tư lại gia tăng vì phải cần đến sự tham gia, hỗ trợ của nhiều người. Bí đường, chị đi đến quyết định “tự cứu mình” bằng cách livestream bán hàng. Lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau quen dần và khách hàng cũng dần tăng lên, hàng chục, rồi hàng trăm lượt người theo dõi mỗi buổi livestream, đơn hàng cũng thế tăng theo.
Cũng như chị Thái Trang, nhiều tiểu thương các chợ truyền thống khác tại TPHCM cũng đã mở thêm kênh tiếp thị, phân phối sản phẩm bằng hình thức livestream. Trong tình cảnh kinh tế suy thoái, sức mua giảm mạnh, cùng với đó là sự cạnh tranh của các hình thức thương mại hiện đại, chợ truyền thống trở nên đuối sức nên vắng vẻ, đìu hiu vì mất lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, thay vì ngồi chờ sung rụng, tiểu thương đã chủ động tìm đến với khách hàng thông qua “cầu truyền hình” trực tiếp, giúp người mua hàng ở xa vẫn có thể mắt thấy, tai nghe về sản phẩm. “Tưởng không hiệu quả nhưng hiệu quả không tưởng”, một tiểu thương chợ Bến Thành tham gia livestream bán hàng nói trong niềm vui.
Các tiểu thương cho biết, qua livestream, nhiều khách du lịch biết và đến tham quan, mua sắm, nhất là các chợ ở khu vực trung tâm thành phố. Cũng nhờ livestream, ranh giới khách hàng được mở rộng và vượt ra ngoài biên giới, lãnh thổ. Nhiều khách hàng ở rất xa, tận nước ngoài cũng đặt hàng. Ngoài bán hàng, livestream là cách gián tiếp để quảng bá các điểm đến tham quan mua sắm, giúp sức thu hút khách du lịch.
Livestream bán hàng là một hình thức thương mại điện tử, khá phổ biến trên nền tảng mạng xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, với đại đa số tiểu thương các chợ truyền thống, hình thức này còn khá mới mẻ. Vì vậy, việc các tiểu thương đồng loạt livestream bán hàng ngay tại chợ, không chỉ là bước ngoặt trong việc đưa sản phẩm, dịch vụ đến với khách hàng, mà còn là dấu mốc quan trọng trong việc thay đổi tư duy, cách làm, chuyển đổi số để thích ứng với hoàn cảnh mới.
Không đơn độc trên hành trình thay đổi, tiểu thương còn nhận được sự trợ giúp, tiếp sức của các cơ quan quản lý sở tại, từ việc tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin bán hàng online, livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng Tiktok… đến việc tổ chức kết nối với các KOL (người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng).
Với sự hỗ trợ của chính quyền, trong mấy ngày qua, hàng trăm nhà sáng tạo nội dung số, người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng đã đến chợ Bến Thành cùng tham gia trải nghiệm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của tiểu thương trên các nền tảng mạng xã hội. Điều đó khiến tiểu thương thêm phần lạc quan, hạnh phúc, nhất là khi trong bộ đồ bà ba hay áo dài truyền thống tương tác với khách hàng qua buổi livestream tiếp thị, bán hàng.
Tuy là những việc nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn bởi đã giúp các tiểu thương học được cách để thích ứng trong mọi hoàn cảnh, bước đi trên con đường mới và tự thay đổi để vươn lên.