Đừng để ấn tượng xấu
Tháng 12/2013, phóng viên Tiền Phong đi công tác ở huyện Mường Nhé (Điện Biên) cùng Bí thư Tỉnh Đoàn Điện Biên Vừ A Bằng. Lúc ở Đồn biên phòng A Pa Chải, anh Bằng nhận được cuộc gọi từ Trung tâm Nguồn lực tình nguyện (T.Ư Đoàn) thông báo có một đoàn tình nguyện lên tặng quần áo, chăn màn, một số hàng hóa cho bà con vùng cao đón Tết.
Đại diện Trung tâm này cũng thông báo, nhóm tình nguyện chỉ mong Tỉnh Đoàn dẫn đường và kết nối với địa phương, anh Bằng vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên, ngày hôm sau, một đại diện nhóm tình nguyện này liên hệ trực tiếp với anh Vừ A Bằng mong muốn Tỉnh Đoàn hỗ trợ về ăn, nghỉ tại thành phố cho cả đoàn.
Nhóm này cũng thông báo ngoài các tình nguyện viên trẻ, trong đoàn còn có thêm 3 cựu TNXP tuổi đã cao đi cùng. Anh Vừ A Bằng chỉ đồng ý lo chỗ ăn, nghỉ cho lái xe và 3 cựu TNXP, còn những thành viên khác trong đoàn phải tự lo liệu.
“Một số tổ chức, cá nhân giờ rất thích đi tình nguyện, nhưng phải đến nơi có phong cảnh đẹp và nhiều đặc sản. Cũng vì thế nên có những em bé qua một mùa đông mang chăn ra cho trâu đắp không hết”.
Anh Nông Việt Yên, Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái
Mọi chuyện tưởng chừng sẽ diễn ra êm đẹp thì ngày hôm sau nữa, đang di chuyển trên đường, anh Bằng nhận được thông tin 2 trong 3 cựu TNXP đi cùng đoàn vừa lên đến thành phố bị ngất phải đưa vào bệnh viện điều trị.
Anh Bằng phải gọi điện nhờ người hỗ trợ. Chưa hết, đại diện nhóm tình nguyện này còn nhờ anh Bằng liên hệ với chính quyền địa phương nơi đoàn đến hoạt động tình nguyện lo cho việc ăn, ở của đoàn.
Liên hệ với Bí thư huyện ủy, anh Bằng nhận được câu trả lời rất thật: Để lo ăn, nghỉ cho đoàn, riêng chi phí đã tốn hàng chục triệu đồng, chúng tôi lấy đâu ra. Thà để số tiền đó chúng tôi chuyển cho bà con.
Không hiểu vì lý do gì, hôm sau chỉ có một vài tình nguyện viên cùng một cựu TNXP đi theo xe vận chuyển hàng hóa vào nơi làm tình nguyện, còn các thành viên khác của nhóm tình nguyện ở lại thành phố Điện Biên Phủ.
“Chúng tôi rất trân trọng những hoạt động tình nguyện vì đồng bào vùng cao, nhưng phải có kế hoạch, liên lạc từ trước một cách cụ thể. Nếu lo liệu được kinh phí di chuyển, ăn nghỉ hãy đi tình nguyện, còn nếu mang hàng hóa trị giá khoảng chục triệu đồng lên tặng bà con mà chúng tôi phải chi ra vài chục triệu để đón tiếp thì chúng tôi không cần”, anh Bằng nói. Cũng theo anh Bằng, một số đội, nhóm đi tình nguyện như đi du lịch, sau đó, về báo cáo thành tích với cấp trên.
Cần thực chất
Đầu tháng 1/2014, phóng viên Tiền Phong tham gia cùng một đoàn tình nguyện đi tặng quà gồm áo, khăn len, đồ dùng học tập, học bổng… cho trẻ em vùng cao tại Cao Bằng. Lúc đến địa điểm hoạt động tình nguyện, nhiều người ngỡ ngàng vì điểm trường chỉ cách thành phố Cao Bằng chưa đến 20km.
Những học sinh ăn mặc đầy đủ được tặng thêm những chiếc áo ấm, khăn ấm, học bổng. Trong khi những món quà đó lại rất có ý nghĩa và tác dụng với những học sinh nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa
Trường được xây khang trang, học sinh với quần áo sạch sẽ, giày dép chỉnh tề ngồi ngay ngắn. Trong số hơn trăm học sinh của trường chưa đến chục em thực sự có hoàn cảnh khó khăn với những bộ quần áo, giày dép rách rưới.
“Nếu lo liệu được kinh phí di chuyển, ăn nghỉ, hãy đi tình nguyện, còn nếu mang được hàng hóa trị giá khoảng chục triệu đồng lên tặng bà con mà chúng tôi phải chi ra vài chục triệu để đón tiếp thì chúng tôi không cần dù với chúng tôi chỉ cho bà con được một vài nghìn đồng cũng rất quý. Để tiết kiệm, hãy chuyển lên để chúng tôi trao cho đồng bào”.
Anh Vừ A Bằng, Bí thư Tỉnh Đoàn Điện Biên
Những món quà vẫn được trao đầy đủ cho các học sinh, dù với nhiều em, nó không thực sự có nhiều ý nghĩa và cần thiết như các bạn cùng trang lứa ở những nơi còn nghèo khó, vùng sâu, vùng xa…
Trước đó, trong một chuyến tình nguyện tại Lũng Táo, một xã khó khăn của huyện Đồng Văn (Hà Giang), phóng viên thấy cũng còn nặng hình thức. Một trong những hoạt động điểm nhấn là việc tặng bò cho các hộ gia đình nghèo trong xã.
Trong lễ tặng bò, các thành viên trong đoàn tình nguyện nhờ vả bằng được một vài người dân đứng giữ bò cho quấn băng dính quảng cáo tên nhà tài trợ vào bụng bò. Chưa hết, thay vì việc dẫn người dân ra gần con bò và đưa cho họ dây thừng, thì gần chục người hì hục lôi, kéo, đẩy con bò lên sân khấu trao cho các hộ nghèo để phục vụ việc… chụp ảnh.