Hoạt chất mới nâng tỷ lệ chữa khỏi lên 70%

Hoạt chất mới nâng tỷ lệ chữa khỏi lên 70%
TP - Không còn dừng lại ở tỷ lệ điều trị thành công khoảng 40% như phác đồ hiện nay, hoạt chất boceprevir- một thế hệ thuốc kháng virus tác động trực tiếp vừa lưu hành tại 43 quốc gia do MSD sản xuất sau gần 5 năm nghiên cứu, cho thấy 70% trường hợp mắc viêm gan C được chữa khỏi.

> Thuốc đắt, người mắc viêm gan khó tiếp cận

Bệnh nhân mắc viêm gan C mạn tính đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM nhưng không được bảo hiểm chi trả. Ảnh: L.N
Bệnh nhân mắc viêm gan C mạn tính đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM nhưng không được bảo hiểm chi trả. Ảnh: L.N.

3% dân số Việt Nam mắc viêm gan C

GS- BS Phạm Hoàng Phiệt- Chủ tịch Hội gan mật TPHCM cho biết, sự ra đời của các loại thuốc mới cũng như những kết quả nghiên cứu trên gen là hai tiến bộ quan trọng nhất giúp nâng cao hiệu quả điều trị viêm gan C. V

ới thế hệ thuốc kháng virus tác động trực tiếp, kết quả điều trị được nâng cao ở nhóm mới điều trị và những người điều trị trước đó nhưng chưa đáp ứng và điều trị thất bại.

GS-TS Rajender Reddy- Giám đốc Trung tâm bệnh học Gan Trường Đại học Pennsylvania của Mỹ cho biết, trong 170 triệu người nhiễm viêm gan C mãn tính có 32 triệu người triệu nhiễm bệnh ở các nước Đông Nam Á.

GS-TS R. Reddy cũng cảnh báo hiện Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh là gần 3% dân số và cho rằng, đây thực sự là một thách thức và gánh nặng cho y tế của quốc gia nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Tại lễ ra mắt một loại thuốc đặc trị viêm gan C diễn ra ở Singapore mới đây, GS Lim Seng Gee- Chủ tịch Hiệp Hội nghiên cứu về bệnh gan khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam có tỷ lệ nhiễm viêm gan C cao thứ 2 trong khu vực, sau Đài Loan.

Ông nói rằng dù có nhiều tiến bộ song các loại thuốc điều trị viêm gan C cách đây 10 năm cho thấy tỷ lệ điều trị thành công ngày càng thấp đi. Tuy nhiên, việc hoạt chất boceprevir ra đời đã đem lại cho bệnh nhân viêm gan C thêm nhiều hy vọng được điều trị khỏi, nhất là với những người mắc viêm gan C thuộc kiểu gen 1, nhóm khó điều trị nhất.

“Nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy, sự kết hợp của boceprevir vào phác đồ điều trị chuẩn hiện nay đã đưa tỷ lệ khỏi bệnh, nghĩa là đáp ứng virus bền vững từ 40% lên đến 70%”, GS Lim Seng Gee nhấn mạnh.

GS Ming-Lung Yu -chuyên gia Gan mật đến từ Trường ĐH Y khoa Cao Hùng, Đài Loan cho biết, viêm gan C hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm gan mạn tính và ung thư tế bào gan. Tuy nhiên, thách thức hiện tại trong điều trị bệnh nhân viêm gan C mạn tính với phác đồ đang sử dụng hiện nay là chi phí quá cao, hiệu quả thấp kèm một số tác dụng phụ.

Theo đại diện của MSD, ở Việt Nam các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Viện vệ sinh dịch tễ TƯ.

Vẫn còn gánh nặng

Một phác đồ chuẩn điều trị viêm gan C tại Việt Nam trong 48 tuần được TS-BS Lê Mạnh Hùng- Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM đưa ra, cho thấy chi phí điều trị loại thuốc rẻ nhất là Pegnano của Việt Nam đã 96 triệu đồng.

Hai loại thuốc khác của 2 công ty nước ngoài sản xuất là PegIntron có giá hơn 119 triệu đồng và Pegasys giá hơn 162 triệu đồng. “Với chi phí này rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh không có khả năng tiếp cận điều trị được”, bác sĩ Hùng cho biết.

Ngoài ra, kết quả đánh giá từ các bác sĩ điều trị mới đây cho thấy, nhiều loại thuốc trị viêm gan C ngoài tỷ lệ điều trị thành công còn khoảng 40% kèm theo nhiều tác dụng phụ như làm người bệnh có thể mệt mỏi, chán ăn, ói mửa, rụng tóc mất ngủ, thiếu máu…

Theo các chuyên gia gan mật, mặc dù nhiều loại thuốc trên đã giảm giá nhưng vẫn còn quá cao so với mức thu nhập của người bệnh. Đặc biệt, đến nay bảo hiểm y tế vẫn đang từ chối thanh toán chi phí thuốc cho viêm gan C cho dù đã có Thông tư yêu cầu thanh toán từ tháng 8- 2011.

Nhiều nhà báo phụ trách y tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc gặp gỡ gần đây cho biết cơ quan bảo hiểm y tế của nước họ gần như thanh toán cho chi phí điều trị viêm gan C.

Giám đốc một công ty dược của Việt Nam cho biết, ở Thái Lan, Singapore hay Mỹ bảo hiểm xã hội sẽ thương lượng trực tiếp với các nhà sản xuất thuốc để có giá tốt nhất giúp người bệnh tiếp cận thuốc giá rẻ. Trong khi ở Việt Nam bảo hiểm chưa làm được việc này mà các bệnh viện tự do đấu thầu và giá thuốc vẫn cao do nhiều tầng nấc, chi phí.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG