Hoa anh đào và ẩm thực
Lần đầu đến Việt Nam là lễ hội nho nhỏ tại một trung tâm tiếng Nhật, mở rộng dần ở quy mô sân vận động, khu triển lãm lớn, năm nay là lần thứ hai lễ hội được tổ chức trong không gian Hoàng thành Thăng Long hai ngày 16, 17/4. Lượng khách năm ngoái khoảng 15 vạn, năm nay có thể đông hơn vì trùng lịch nghỉ giỗ Tổ.
Hoa anh đào mới tràn ngập khu tượng đài Lý Thái Tổ tháng trước trong ngày hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật, do UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Lễ hội hoa anh đào tại Hoàng thành ngoài phần được quan tâm là trưng bày hoa anh đào tươi, mang đến sắc màu văn hóa Nhật Ban quen thuộc qua các năm: Thi biểu diễn Yosakoi để tìm nhà vô địch, trống hội Nhật Bản, ban nhạc Parallel Dream đến từ Nagano, trà đạo, múa kịch truyền thống Nihonbyuo, treo cờ cá chép, thi hóa trang, các gian hàng du học.
Ẩm thực Nhật Bản luôn được chào đón ở nhiều nơi, không cứ lễ hội hoa anh đào. Trong 60 gian hàng dịp này có tới 25 gian hàng ẩm thực, những món đặc trưng không vắng mặt như bánh rán Doraemon, mì Soba, bánh xèo... Năm nay có cuộc thi thịt bò, đúng hơn là trải nghiệm ăn hai loại thịt bò ngon nhất hai miền nước Nhật là Wagyy và thịt bò nổi tiếng đến từ Nagasaki sau khi ăn xong thì bỏ phiếu chọn.
Hoa anh đào tươi chỉ về Hà Nội một ngày trước lễ hội để đảm bảo nở đẹp. Bà Suzuki Mari, Giám đốc điều hành lễ hội năm nay cho biết tùy thời gian vận chuyển hoa sang Việt Nam sẽ chọn loại hoa nở 30-70%. Năm nay để đảm bảo cho người dân thưởng ngoạn tối ưu, BTC lựa 300 cành hoa nở đến 80%. Quy trình tuyển chọn khắt khe, vận chuyển bằng đường hàng không và nhận được sự hỗ trợ từ phía Hải quan-không tháo dỡ hoa ngay tại sân bay để kiểm tra. Thông thường Hiệp hội Hoa anh đào Nhật Bản chịu trách nhiệm chọn lựa những cành hoa đẹp ở các vùng khác nhau trước khi chuyển về Việt Nam.
Quảng bá văn hóa Việt không dễ
Có đến bốn lễ hội hoa anh đào tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh dịp này. Thế mới thấy Nhật Bản không chịu kém cạnh Hàn Quốc trong quá trình truyền bá văn hóa ở nước ngoài. Bà Suzuki Mari tiết lộ kinh phí tổ chức hầu hết do phía Nhật chi trả, khoảng 18-20 triệu yên Nhật (khoảng hơn 5 tỷ đồng). Số tiền chi trả cho khâu tổ chức, đưa khoảng hơn 80 người Nhật sang Việt Nam. Số tiền không quá lớn nhưng hiệu quả mang lại trông thấy rõ, khi những ngày này cả chục vạn khách, chủ yếu giới trẻ đổ xô đến để mặc kimono, hóa trang thành các nhân vật hoạt hình, thi gấp giấy, thử trà đạo, kiếm đạo và các điệu múa Nhật Bản.
Nhật Bản phổ cập văn hóa của họ thông qua những ngày hội thế này, thậm chí nhiều đợt tặng cây anh đào cho Việt Nam, thậm chí cử cả đội kỹ sư sang nghiên cứu khí hậu thổ nhưỡng Việt Nam trước khi chuyển giao công nghệ chăm sóc. Việt Nam thì sao? Trả lời bên lề cuộc họp sáng 4/4, TS Vũ Khắc Liên, Chủ tịch Hội Giao lưu văn hóa Việt-Nhật lắc đầu kêu khó. “Hội chúng tôi có chức năng quan trọng là giới thiệu văn hóa Việt Nam sang Nhật, nhưng không đơn giản. Tôi rất trăn trở về việc đó, nhiều lần tính toán làm được gì đó dù là nhỏ thôi. Điều dễ nhất như đưa triển lãm tranh sang Nhật, chúng tôi bàn với Hội Mỹ thuật. Khi đặt vấn đề để thuê một phòng trưng bày phải đặt trước cả năm, tiền thì tôi không nói vì mình chịu không nổi, chưa kể mang người sang giới thiệu”, ông Liên nói.
Không phải người Nhật không mặn mà với văn hóa Việt, nhưng điều kiện quảng bá “con nhà khó” chỉ cho phép Hội Giao lưu văn hóa Việt-Nhật làm những cuộc nho nhỏ. Ông Vũ Khắc Liên kể vài lần đưa các đoàn hơn chục người sang Nhật, chủ yếu giới thiệu âm nhạc, sân khấu truyền thống. Vài năm gần đây, ĐSQ Việt Nam tại Nhật cũng tổ chức ngày hội văn hóa Việt Nam, chẳng hạn sự kiện tại Công viên Yoyoki (Tokyo) khá quy mô, được phản hồi tốt. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức lần đầu năm 2008, năm nay diễn ra hai ngày 11, 12/6 dự kiến thu hút 18 vạn người. Ngoài ra, lần đầu tiên Nhật Bản có Ngày của phở Việt Nam 4/4 hàng năm-một trong những cơ hội để quảng bá ẩm thực, văn hóa Việt.
Hà Nội tiếp nhận 200 cây anh đào từ phía Nhật Bản, được trồng tại công viên Hòa Bình, quận Bắc Từ Liêm. Thời gian trước Nhật Bản cũng từng tặng Hà Nội nhiều cây hoa anh đào nhưng tỷ lệ sống không cao, lần này họ cử hẳn đội chuyên gia chăm sóc sang phối hợp với Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội. Ngoài Hà Nội, mới đây Nhật cũng tặng 100 cây anh đào cho tỉnh Bắc Ninh.
Hà Nội không ủng hộ trưng bày hoa anh đào giả
Tại họp báo sáng 4/4, bà Suzuki Mari nhắc đến 300 cành hoa anh đào giả cũng được chuyển từ Nhật sang Việt Nam dịp này. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết luôn đón chào sự kiện giao lưu văn hóa, đặc biệt lễ hội hoa anh đào. Tuy nhiên, ông Động bày tỏ quan điểm không đồng tình để trưng bày hoa anh đào giả trong lễ hội này.