Hoãn nghĩa vụ quân sự cho sinh viên hệ chính quy

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói rằng, thời bình không nên gọi sinh viên nhập ngũ, họ có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi học xong. Ảnh: Ngọc Châu.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói rằng, thời bình không nên gọi sinh viên nhập ngũ, họ có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi học xong. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Ngày 19/1, thảo luận Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất: Không gọi nhập ngũ đối với sinh viên đang học đại học hệ chính quy. Cùng đó, một số đại biểu đề nghị có nghĩa vụ phù hợp để thay thế nghĩa vụ quân sự.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất quy định tuổi gọi nhập ngũ với công dân là 18 đến 25; riêng đối tượng sinh viên chính quy thuộc diện hoãn nghĩa vụ quân sự (NVQS) tăng lên 27 tuổi. Nhiều ý kiến trong UBTVQH tán thành tạm hoãn gọi nhập ngũ cho sinh viên hệ chính quy để bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, miễn, giảm, hoãn gọi nhập ngũ đều phải được quy định rõ trong luật. “Cá nhân tôi thấy, nếu đã đỗ đại học thì nên hoãn gọi nhập ngũ và phải tính đến vấn đề độ tuổi”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Không nên “treo” NVQS

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi kiến nghị, nên hoãn gọi NVQS đối với người đã trúng tuyển đại học hệ chính quy. “Số này không nhiều. Sau khi học xong, các em có thể tham gia NVQS cũng chưa muộn”,  ông Thi nói. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lập luận, năm 1979, chúng ta tổng động viên nhưng vẫn có chính sách hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên. 

Phát biểu tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QP-AN) Nguyễn Kim Khoa đề nghị, nên tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy, thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, để các sinh viên này vẫn thực hiện được NVQS trong quá trình học tập, nên có các hình thức khác để hoàn thành NVQS, khi ra trường, sinh viên có thể đi làm, đóng góp cho xã hội ngay. “NVQS được Hiến pháp quy định là nghĩa vụ phục vụ trong quân đội - tại ngũ, hoặc dự bị. Sinh viên đang học thì nên hoãn. Hiện nay, số sinh viên gọi nhập ngũ cũng rất thấp, trình độ khác nhau và cũng không sử dụng được chất xám, khi nhập ngũ họ vẫn phải đi gác như những người khác. Còn huấn luyện để sử dụng binh khí kỹ thuật cao phải là lực lượng chuyên nghiệp, chứ không phải lính nghĩa vụ”, ông Khoa cho hay.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói rằng, với điều kiện hiện nay, không thể gọi hết thanh niên, sinh viên trong độ tuổi đi NVQS. “Nên quy định tạm hoãn NVQS đối với sinh viên chính quy. Sau khi sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo, nếu quân đội có nhu cầu thì tuyển để phục vụ lâu dài. Chúng tôi chính thức đề nghị hoãn vì nhu cầu gọi hằng năm không lớn. Nếu “treo” nghĩa vụ ở đó sẽ vừa gây tâm lý không tốt vừa tạo kẽ hở tiêu cực khi tuyển quân”, ông Thanh nói.

Không thay thế NVQS bằng tiền

Thường trực Ủy ban QP-AN nhất trí với dự thảo Luật quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng để bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ của công dân. “NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, do đó việc quy định nghĩa vụ thay thế như nghĩa vụ đóng tiền hoặc nghĩa vụ lao động công ích là không có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đồng thời làm mất ý nghĩa thiêng liêng của NVQS”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Kim Khoa nói.

Để thực hiện yêu cầu bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện NVQS tại ngũ và công bằng xã hội trong thực hiện quyền, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, Thường trực Ủy ban QP-AN đề nghị quy định một số hình thức thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được công nhận như thực hiện NVQS tại ngũ trong thời bình. Đồng thời, cần có quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc phù hợp tình hình cụ thể: tham gia chương trình thanh niên trí thức tình nguyện, thực hiện NVQS thông qua việc tham gia đào tạo sĩ quan dự bị; tự bảo đảm chi phí để tham gia chương trình huấn luyện quân sự tập trung ba tháng để chuyển thành quân nhân dự bị hạng một tại các đơn vị quân đội hoặc trung tâm giáo dục quốc phòng theo quy định của Chính phủ.

Nhập ngũ chủ yếu con em nông dân

Theo báo cáo của Ủy ban QP - AN, số công dân đã có việc làm, có trình độ học vấn cao, chuyên môn kỹ thuật, con em cán bộ công chức, các gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện NVQS tại ngũ chưa nhiều (chiếm 4,94%). Trong khi đó, con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm số đông (trên 80%) và có xu hướng tăng. Trong điều kiện số công dân nhập ngũ hằng năm chỉ chiếm 0,12% tổng dân số và 5,87% tổng số công dân nam trong độ tuổi 18 - 25, vẫn có địa phương cho phép điều chuyển từ nơi này sang nơi khác để bù cho đủ chỉ tiêu được giao. Tỷ lệ công dân có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 0,64% tổng số thanh niên nhập ngũ hằng năm.

Giám sát Quốc hội phải thực chất

Chiều 19/1, thảo luận dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phải sửa luật theo hướng đem lại hiệu quả cao của công tác giám sát. Nếu làm hình thức, những kiến nghị, báo cáo giám sát chưa chắc đã có tác dụng bằng một bài báo, vì bài báo chỉ ra chỗ này chỗ kia, có kết quả ngay. 

“Đảng, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân đều có giám sát. Giám sát Quốc hội phải thể hiện quyền lực của Quốc hội, phải thực chất, tạo ra dư luận xã hội. Nếu phát hiện sai phạm, phải có kiến nghị cụ thể, nếu không sửa, phải có cơ chế để xử lý cán bộ như kiến nghị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Những vi phạm pháp luật, vi phạm Hiến pháp phải kiến nghị xử lý dứt điểm ngay”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Hồng Phúc

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.