Dự kiến thu hẹp đối tượng xét tạm hoãn nhập ngũ

 Thanh niên TP.HCM tòng quân năm 2014. Ảnh: Đàm Đệ
Thanh niên TP.HCM tòng quân năm 2014. Ảnh: Đàm Đệ
Dự kiến Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự mới sẽ được Quốc hội Khóa XIII thông qua vào năm 2015 với một số thay đổi như: Kéo dài thời giân thực hiện nghĩa vụ lên 24 tháng, nâng độ tuổi trong diện gọi nhập ngũ lên 27 tuổi…

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Thiện Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng an ninh, Bộ GD-ĐT đã trao đổi về dự thảo Luật, cũng như những vấn đề phụ huynh và học sinh cần lưu tâm trước mùa tuyển quân mới.

Những ai được tạm hoãn?

Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới so với Luật hiện hành. Dự kiến dự Luật này sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2015. Vậy thì, trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, Luật này có hiệu lực không thưa ông?

Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự mới sẽ được Quốc hội Khóa XIII thông qua vào năm 2015, còn có hiệu lực thi hành từ ngày nào là do Quốc hội quy định.

Như vậy, kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2015 việc gọi công dân nhập ngũ vẫn thực hiện theo Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn hiện hành, cho đến khi Luật Nghĩa vụ quân sự mới được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành.  

Nếu Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi được thông qua, quy định xét tạm hoãn gọi nhập ngũ có điểm gì mới so với quy định hiện hành không, thưa ông?

Về xét tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình: Đối với học sinh, sinh viên thì đối tượng tạm hoãn trong dự thảo Luật hiện nay sẽ được thu hẹp.

Tại điểm e, Khoản 1, Điều 44, Mục 3, Chương IV trong dự thảo Luật quy định: “Đang học tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; đang học chương trình đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân” mới được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Như vậy, các đối tượng học sinh đang học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên đang học trong các trường cao đẳng và đại học không chính quy sẽ không thuộc đối tượng xét tạm hoãn.

Theo ông tại sao lại đưa ra quy định như vậy? Được biết, đây là điều vẫn gây tranh cãi. Vậy thì, quy định này liệu có được áp dụng chính thức, hay sẽ điều chỉnh khi Luật ban hành?

Hiện nay các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trên toàn quốc rất nhiều; tương ứng là lượng học sinh, sinh viên hàng năm vào học  tại các trường rất lớn. Trong khi đó để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, làm chủ các loại vũ khí công nghệ cao để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng gọi công dân nhập ngũ hàng năm phải có đủ sức khỏe và trình độ thì mới đáp ứng được yêu cầu đó.

Học sinh, sinh viên các trường trên là đối tượng tạm hoãn, có nghĩa là sau khi tốt nghiệp họ sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự như các trường thuộc hệ khác, chỉ là vấn đề thực hiện nghĩa vụ quân sự trước hay sau mà thôi.

Khi Luật được Quốc hội thông qua và ban hành, các Bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Tôi nghĩ vấn đề này sẽ được áp dụng chính thức.

Vẫn ưu tiên thực hiện Lệnh gọi nhập ngũ

Trong dự Luật sửa đổi có thay đổi gì về quy định ưu tiên thực hiện trong trường hợp công dân nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy báo nhập học cùng một thời điểm?

Khi Luật được Quốc hội thông qua và ban hành, các Bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Tôi nghĩ vấn đề này cơ bản vẫn giữ như Thông tư hướng dẫn hiện hành.

Khi công dân nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy báo nhập học cùng thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ, còn khi đã làm xong thủ tục nhập học và đang học tại trường mới được tạm hoãn. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp đã nhập học rồi vẫn xin bảo lưu kết quả để thực hiện nghĩa vụ.

Các đối tượng trúng tuyển đại học, cao đẳng nhưng không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ, việc bảo lưu kết quả học tập và thủ tục cụ thể theo Luật mới sẽ như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng không có gì thay đổi so với Luật và Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũ.

Cụ thể là, tại Khoản 5, Điều 1 của Thông tư liên tịch số 13/TTLT-BQP-BGDĐT ngày 22/01/2013 của Liên Bộ Quốc phòng – Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định:

“Công dân đã nhập ngũ vào Quân đội, nếu có Giấy báo nhập học vào các trường đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành Giấy báo nhập học) bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật Nghĩa vụ quân sự”.

Chuyển trường đúng ngành đào tạo mới được xét hoãn nhập ngũ

Dự kiến thu hẹp đối tượng xét tạm hoãn nhập ngũ ảnh 1

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Thiện Minh

Những sinh viên thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ nhưng sau đó lại chuyển trường thì có thể tiếp tục thuộc diện hoãn gọi nhập ngũ hay không, thưa ông?

Tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư liên tịch số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT ngày 13/9/2-11 quy định:

“Công dân nêu tại điểm điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này chỉ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong một khoá đào tạo tập trung đầu tiên, trường hợp tiếp tục học tập ở các khoá khác thì không được tạm hoãn gọi nhập ngũ”.

Như vậy, nếu công dân chuyển trường mà tiếp tục học theo đúng ngành đào tạo đúng nội dung, chương trình thì mới thuộc diện tạm hoãn. Còn nếu chuyển trường học không đúng ngành đào tạo, học lại từ đầu thì không thuộc đối tượng xét tạm hoãn.

Thông tư Liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT ban hành ngày 13/01/2013 của Liên bộ Quốc phòng – Bộ GD-ĐT sửa đổi đã khẳng định: “Công dân đi du học tại các trường ở nước ngoài có thời gian đào tạo mười hai tháng trở lên” nằm trong “Đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ”.

Như vậy, quy định không loại trừ những người đỗ đại học (thậm chí là thủ khoa) nhưng dường như “loại trừ” những người đi du học. Đây cũng là kẽ hở để nhiều phụ huynh tìm cách cho con trốn nghĩa vụ quân sự. Ông có ý kiến gì về việc này?

Vấn đề này là do cơ chế, chính sách của Nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực nên được tạm hoãn. Sau khi học ở nước ngoài về vẫn thực hiện nghĩa vụ.

Ông có chia sẻ gì với những phụ huynh có con thuộc diện thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân; công dân phải có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Nghĩa vụ quân sự.

Theo tôi, với những học sinh có kiến thức vững vàng khi đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng thì 18 tháng đến 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ kiến thức cũng chưa thể mai một được. Còn việc học tập của các em là suốt đời.

Hơn nữa, kể cả khi vào học ngay, nếu không thật sự cầu thị, phấn đấu, tu dưỡng thì cũng chưa chắc đã đủ kiến thức để theo kịp được. Trong khi đó, môi trường quân đội cũng là một trường học lớn, không chỉ rèn luyện cho từng cá nhân về bản lĩnh, nhân cách mà còn tạo điều kiện cho các em phát triển tài năng.

Như vậy, tôi nghĩ rằng phụ huynh học sinh, sinh viên nên phân tích, động viên con em mình thực hiện tốt nghĩa vụ của mình khi Tổ quốc cần. Những gia đình tìm cách cho trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp luật.

Xin cảm ơn ông.

Theo Ngân Anh
Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.