Hoan hô lệnh cấm!

TP - Mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần, phạt ngay từ ngụm bia rượu đầu tiên, phạt cả dân nhậu đi bằng xe đạp, cấm luôn hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”... khiến các “đệ tử lưu linh” choáng váng.

Đó là Luật phòng chống tác hại của rượu bia 2019, được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019. Và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 nhằm hiện thực hóa quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông đối với người đã uống rượu bia tại luật kể trên.

Đặc biệt, Nghị định 100 có hiệu lực ngày 01/1/2020, tức là sau khi ký ban hành chỉ có...hai ngày! Một tốc độ đưa luật vào cuộc sống được xem là “thần tốc”, áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo dõi truyền thông, mạng xã hội mấy ngày qua, phải nói hiếm có luật định nào đi vào cuộc sống mà tạo ra hiệu ứng mạnh và tức thời như luật này. Bởi bia rượu đã “nhiễm” sâu vào máu của đại đa số người Việt, không chỉ thời nay.

Mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần, phạt ngay từ ngụm bia rượu đầu tiên, phạt cả dân nhậu đi bằng xe đạp, cấm luôn hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”... khiến các “đệ tử lưu linh” choáng váng. Vô vàn chuyện khóc cười xảy ra trên đường phố và trên mạng xã hội. Mấy ngày qua phong trào ăn nhậu tụt hẳn, uống bia rượu lấm lét như “thằn lằn uống rượu cúng”. 

Tuy nhiên, để đưa được những quy định văn minh như trên vào cuộc sống, là cả một quá trình không kém phần cam go. Cho dù cuộc sống cấp bách đòi hỏi, khi tất cả mọi thông số đều đã vượt “ngưỡng”, từ những thảm nạn giao thông chết chóc, tật nguyền, những thảm án, những gia đình tan nát vì bia rượu, cho đến những cuộc đời và cả những thế hệ đờ đẫn, bạc nhược trong hơi men…   

Nhớ hồi Quốc hội họp bỏ phiếu thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu bia với những cuộc tranh luận gay gắt, trái chiều tại nghị trường và trong xã hội về điều khoản “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Việc các đại biểu phải bấm nút lại lần hai, chứng tỏ sức ảnh hưởng của rượu bia đối với mọi mặt xã hội lớn đến mức nào.

Tất nhiên xuất phát từ băn khoăn chung về lợi ích kinh tế to lớn mà ngành sản xuất, tiêu thụ bia rượu mang lại, cũng như từ “văn hóa rượu bia” truyền thống. Nhưng điều luật trên vẫn ra đời, cho thấy tiếng nói và nguyện vọng đòi hỏi chính đáng của đại đa số người dân đã được tôn trọng và ghi nhận.

Tất nhiên luật định văn minh trên vẫn đang bị không ít người tìm cách “bật” lại. Như ăn trái cây, uống siro tạo nồng độ cồn thì sao, nạn mãi lộ sẽ được dịp “tăng giá” à? Rằng “dân nghèo” tiền đâu mà trả taxi, grab mỗi khi đi nhậu?! Thực ra đó chỉ là những ngụy biện. Bởi trên đời thiếu gì cách để say sưa bia rượu mà không cần phải tự mình cầm lái.

Có thể luật và nghị định trên sẽ có những quy định cần chỉnh sửa cho phù hợp hơn với thực tiễn. Nhưng phải nói với độ bao quát, toàn diện của luật, với chế tài đủ mạnh, tin tưởng rằng đây sẽ là một dấu mốc quan trọng của luật pháp trực tiếp tạo thay đổi lớn nhận thức và hành vi của cả xã hội về bia rượu. Như lợi ích của các quyết định cấm pháo, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trước kia. Dù cũng từng bị phản ứng mạnh.

Dân nhậu từ nay quen hơn với con số 100, không phải "trăm phần trăm" trên bàn nhậu, mà con số NĐ 100, mỗi khi quyết định sẽ say sưa ở đâu, như thế nào.

Hoan hô lệnh cấm!

MỚI - NÓNG