Hầu hết người dân Việt Nam trong nước và ngoài nước vào những ngày này đều chung vui trước sự kiện lịch sử thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), mở ra thời kỳ mới - thời kỳ độc lập dân tộc để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, thịnh vượng.
Tuy nhiên, đâu đó, trên mạng xã hội, vào những ngày này, vẫn có một số ít người có cái nhìn “lệch lạc”, thậm chí cố tình phá hoại khối đại đoàn kết, phá hoại chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước. Họ cố tình xuyên tạc, thông tin sai trái, phá hoại các quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng về hòa hợp dân tộc, nhằm kích động sự hận thù, chia rẽ.
Bên cạnh đó, do điều kiện khách quan, một bộ phận kiều bào không được tiếp xúc đầy đủ với thông tin chính thống, dẫn tới hiểu không đúng về tình hình đất nước, hoài nghi về chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh tập thể, cá nhân người Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài. Ảnh: QV |
Thực tế, trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước, vấn đề hòa hợp dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện nhất quán; được nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế công nhận. Nghị quyết số 36 năm 2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Nhà nước có trách nhiệm thỏa thuận với các nước hữu quan về khuôn khổ pháp lý để đồng bào ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp ngành đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được đổi mới và đạt được những kết quả đáng kể cả ở trong và ngoài nước.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Với khoảng trên 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển. Trong những năm qua, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, quyền và trách nhiệm được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, những năm qua, MTTQ Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương thức hoạt động, đưa công tác vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài trở thành một nội dung quan trọng, nhiệm vụ xuyên suốt trong chương trình hành động qua các kỳ Đại hội của MTTQ Việt Nam, trong chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam với các đối tác tương quan.
Đáp lại, tình cảm của kiều bào hướng về quê hương đất nước ngày càng đậm nét và sâu sắc hơn. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giờ đây đã và đang là sợi dây kết nối giao thương, thắt chặt các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, tạo nguồn kiều hối phong phú cho đất nước, góp thêm nguồn lực cùng Đảng, Nhà nước trong việc phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế, xúc tiến giao thương và đầu tư.
Vì thế, những luận điệu xuyên tạc khối đại đoàn kết dân tộc; xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hòa hợp dân tộc chỉ là hành vi phá hoại của một số ít người, và ngày càng trở nên lạc lõng trước sự thật.