Tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), đắt hàng nhất là các loại hoa hồng thế trồng trong chậu đất. Đến hôm nay (24 tháng Chạp), nhiều vườn hồng tại đây đã không còn cây để bán. Ông Canh, chủ vườn hồng tại thôn Hạ Lôi cho biết, trước đây gia đình trồng hoa ly, 2 năm nay chuyển sang trồng hoa hồng trong chậu. Hồng thế nhiều cây gốc to, thế đẹp được rao giá bán gần chục triệu đồng. “Có khách cẩn thận, đã về vườn từ đầu tháng Chạp để tìm và đặt trước cây ưng ý”, ông Canh nói.
Không chỉ có hồng cổ, nhiều nhà vườn còn đầu tư các giống hồng cây thấp như dáng bonsai, nhưng hoa to đẹp có xuất xứ từ các nước như Hà Lan, Thái Lan… Đặc biệt, Tết năm nay một số vườn hồng có thêm loại hồng màu xanh, cánh hoa xếp chồng lên nhau có tên Jane Green. Chậu cây Jane Green cao khoảng 50cm giá khoảng 500 ngàn đồng. Được biết, hồng bồn có lợi thế là có thể trồng và bán cả năm, không trông chờ thời vụ như hoa ly.
Một nông dân ở vườn hồng Hoàng Sơn (vườn có hơn 300 gốc hồng) cho biết, vườn nhà mới chuyển từ trồng ly sang hồng theo xu hướng cũng như điều kiện khí hậu, đất đai. Năm nay hồng được giá, trung bình 2 triệu đồng/gốc, Tết năm nay nhà vườn này dự kiến thu về 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tết Kỷ Hợi lại là một Tết không mấy thuận lợi với những người trồng hoa ly. Do yếu tố thời tiết, hoa ly tại Mê Linh bị nở sớm. Nếu cắt ra bán buôn chỉ được trên dưới 15 ngàn đồng/cành. Theo một chủ vườn ly tại xã Mê Linh, mỗi sào gia đình đầu tư 150 triệu đồng, tính ra gia đình anh bị lỗ tới gần 50 triệu đồng/sào.
Tại làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), ai cũng hối hả cho vụ hoa Tết. Năm nay, các vườn hoa cúc, hoa ly, thược dược, lay ơn… đa số đều cho vụ hoa bội thu. Chủ yếu các vườn hoa ly ở Tây Tựu được trồng trong nhà lưới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, do đó hoa ly Tây Tựu năm nay nở được đúng thời điểm Tết.
Tuy nhiên, giá ly giảm cũng ảnh hưởng chung đến các hộ dân trồng ly. Chị Đào - một chủ vườn ở Tây Tựu cho biết, chi phí sản xuất 1 cành ly ước chừng 15.000 đồng chưa kể công chăm sóc nhưng nay giá ly chỉ khoảng 20.000 đồng/cành (cành 5 bông) thì là vẫn lỗ vốn.
Phát triển nhà vườn gắn với du lịch
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội nông dân xã Mê Linh cho biết, hoa ly là giống trồng rất khó, nở sớm trước Tết chỉ 10 ngày hoặc nở sau Tết đều coi như “thua”. Thời tiết năm nay nắng nóng khiến nhiều diện tích trồng ly bị nở sớm, mỗi sào lỗ khoảng 10 - 20 triệu đồng.
Đối với hoa hồng chậu đang là xu thế trong 2 năm gần đây, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân. Giá hồng chậu luôn cao hơn hồng cành nhiều lần, do đó nhiều nông dân đã chuyển sang trồng hồng chậu và mang lại kết quả tích cực.
Ngoài ra, Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh rất quan tâm đến các mô hình phát triển nhà vườn như: Hỗ trợ các giống hoa đồng tiền, cúc nhật, dạ yến thảo… 50% giá thị trường để cùng nông dân phát triển vùng trồng. Theo ông Bảy, trồng hoa đầu tiên mang lại hiệu quả kinh tế, sau là mang lại vẻ đẹp cho địa phương thu hút du lịch. Trồng hoa cũng góp phần cải thiện môi trường địa phương. Nếu trước đây, các hộ phun thuốc hóa học nhiều, khi chuyển sang trồng hoa, dùng thuốc sinh học không gây độc hại. Dù thuốc sinh học đắt gấp 3 lần nhưng bù lại hoa nở đẹp hơn, và người làm việc ở đó 24/24h không bị ảnh hưởng nên nông dân cũng rất ủng hộ”, ông Bảy nói thêm.
Ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, xu hướng trồng hồng chậu đã xuất hiện từ 2 năm nay và đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Không chỉ hoa hồng được trồng trong chậu, huyện Mê Linh còn triển khai mô hình sản xuất hoa chậu trang trí ứng dụng công nghệ tưới tự động với các loại hoa: Đồng tiền, dạ yến thảo, cúc vàng... Theo tính toán, với giá bán 50.000 - 150.000 đồng/chậu, người nông dân có thu nhập gần 50 triệu đồng/sào/vụ, cao hơn nhiều lần so với trồng hoa hồng cắt cành trước đây.
Huyện cũng đã thành lập hiệp hội nhà vườn, hiệp hội hoa lan… đây là những cơ sở để hỗ trợ người nông dân trong các vấn đề về kỹ thuật, đầu ra sản phẩm. Mới đây, Đề án phát triển du lịch huyện Mê Linh giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 mới được HĐND huyện phê duyệt là tiền đề để phát triển các nhà vườn theo hướng quy hoạch để du khách có thể trải nghiệm, thăm quan, nghỉ dưỡng.
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, diện tích trồng hoa, cây cảnh toàn thành phố đạt khoảng 3.000 ha. Tập trung tại các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Sóc Sơn…