Theo Quyết định về việc phê duyệt bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2019, tầm nhìn đến năm 2024, hiện toàn tỉnh Hòa Bình có 69 điểm mỏ, diện tích trên 1,3 nghìn ha, trữ lượng trên 460 triệu m3. Đây là nguồn vật liệu thông thường để thực hiện việc cấp phép khai thác phục vụ các công trình, dự án trong và ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, số mỏ đã được bổ sung phù hợp với quy hoạch sử dụng đất là 38 khu vực mỏ, chiếm 55%, 31 khu vực mỏ chưa bổ sung quy hoạch sử dụng, đất chiếm 45%.
Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh Hòa Bình lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 20 khu vực mỏ làm nguồn nguyên liệu cung cấp cho các dự án trong và ngoài ngân sách, thực hiện quy trình khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 46 khu vực để thực hiện việc cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng TTTT Hòa Bình. |
Tuy nhiên, giá bán đất tại các mỏ cao (trên 60.000 đồng/m3), hơn nữa khoảng cách đến công trình xa, trong khi cước vận chuyển trung bình từ 2.500-3.000 đồng/km/m3 đất, dẫn đến kinh phí của các dự án công trình trên địa bàn tỉnh khó đáp ứng được. Do vậy các chủ đầu tư, ban quản lý dự án không lấy đất từ các dự án có đất dôi dư đã được UBND tỉnh cấp phép.
Trong khi đó, nhu cầu đất đắp từ các dự án quan trọng, trọng điểm hiện nay như Dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6, Dự án Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội; Dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình (tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy)… là rất lớn. Tuy nhiên, các dự án đều đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn đất đắp.
Theo đánh giá về khả năng đáp ứng nhu cầu đất san, lấp hiện tại có tổng khối lượng là trên 4,7 triệu m3. Bên cạnh đó, 20 khu vực mỏ được lập kế hoạch đấu giá có diện tích 504,42 ha và trữ lượng 140,7 triệu m3, 46 khu vực mỏ đã được khoanh định để thăm dò, khai thác có trữ lượng trên 158 triệu m3.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu ban cán sự Đảng UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường phối hợp, rà soát đẩy nhanh tiến độ cấp các mỏ khai thác khoáng sản, sử dụng hiệu quả và đảm bảo không thất thoát nguồn vật liệu đất đắp.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh các Sở, ban ngành, lãnh đạo các địa phương cần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc hạ cốt, đổ phế thải. Tất cả mỏ đất vận chuyển ra khỏi tỉnh Hòa Bình phải có sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh, các chủ đầu tư dự án đầu tư công phải chịu trách nhiệm về việc làm thất thoát đất trên địa bàn tỉnh.