Mong từng ngày
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Văn Vinh, TGĐ Công ty TNHH Đầu Tư V.A.Ekaterinburg (chủ khách sạn Horizon Nha Trang) cho biết, trước dịch COVID-19, khách sạn lúc nào cũng tấp nập. Tuy nhiên, từ khi dịch ập tới, cả Nha Trang không còn bóng dáng khách nước ngoài nào, tới nay 95% khách sạn tạm đóng cửa, số hoạt động còn lại cũng chủ yếu làm cơ sở cách ly người nhập cảnh. Kéo theo đó là hàng nghìn lao động mất việc làm, giảm thu nhập, DN du lịch, khách sạn đứng trước nguy cơ phá sản.
“Khách sạn gần như dừng hoạt động, nhưng nhiều khoản vẫn phải chi, như lãi vay, lương, chi phí BHXH cho người lao động còn đi làm... Khi nghe Chính phủ tiếp tục có chính sách giãn đóng BHXH tôi rất vui, đã yêu cầu các bộ phận liên quan chuẩn bị hồ sơ. Lúc khó khăn, sự chia sẻ nào cũng rất cần, thêm hỗ trợ là thêm cơ hội”, ông Vinh nói. Ông chủ khách sạn này cũng kỳ vọng nhân viên sớm được tiêm vắc-xin COVID-19.
Với đội tàu du lịch hơn 500 chiếc trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều chủ đã rao bán tàu vì hơn 1 năm nay không có khách để hoạt động. Tất cả đang mong chờ những chính sách hỗ trợ để có thể tồn tại được tới ngày phục hồi.
“Tàu dừng hoạt động, nhưng mỗi tháng chúng tôi vẫn phải chi hàng trăm triệu đồng trả lương cho nhân viên trông coi, duy tu, bảo dưỡng, lãi vay, chi phí đóng BHXH cho số người còn đi làm. Việc Chính phủ hoãn đóng BHXH, miễn đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo lại lao động vào thời điểm này rất cần thiết, góp một phần để DN bớt khó”, ông Đoàn Văn Bình, GĐ Công ty TNHH Anh Tùng Dương cho viết, DN này có 5 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long.
Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, GĐ Công ty Thiên Thảo Nguyên (kinh doanh ô tô du lịch) chia sẻ, du lịch chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19, nên hoạt động cho thuê xe của công ty cũng ảnh hưởng nặng nề. Trước đây, mỗi ngày công ty cho thuê hàng trăm chuyến xe du lịch, nay chỉ còn vài chuyến. Đa số đầu xe của công ty đành phủ bạt nằm bãi.
“Để duy trì số nhân viên còn lại, chúng tôi phải huy động mọi nguồn tiên, kể cả đi vay để trả lương, đóng bảo hiểm, nên phải xin 3 tháng đóng bảo hiểm 1 lần, thay cho hàng tháng. Thực sự tôi rất vui khi được giãn đóng BHXH đến năm sau. Gần 2 năm COVID-19, DN kiệt quệ, những hỗ trợ từ nhà nước lúc này rất ý nghĩa, DN có thêm động lực tồn tại”, ông Tùng nói.
Mở rộng hỗ trợ BHXH
Năm 2020, trong gói an sinh trị giá 62.000 tỷ đồng, chỉ có chính sách gia hạn thời gian đóng BHXH cho chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Tuy nhiên, với gói an sinh lần 2 này (theo Nghị quyết 68 của Chính phủ), đã có 3 chính sách hỗ trợ liên quan BHXH được áp dụng, với tổng số tiền hỗ trợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động về 0%, áp dụng trong 12 tháng, dự kiến tổng tiền giảm gần 3.700 tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn (phải) cùng Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (trái) giải đáp về chính sách hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. |
Tiếp tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong 6 tháng với DN bị ảnh hưởng dịch COVID-19 phải giảm lao động từ 15% trở lên, trường hợp đặc biệt được tạm dừng đóng tối đa 12 tháng. Dự kiến tổng tiền BHXH tạm dừng đóng trên 11.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ chi hỗ trợ DN đào tạo lại lao động để duy trì việc làm, mức hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ tối đa 6 tháng. Dự kiến kinh phí chi hỗ trợ đào tạo lại lao động hơn 4.500 tỷ đồng.
Trả lời Tiền Phong, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, ngay khi có hướng dẫn của Thủ tướng, BHXH Việt Nam sẽ họp trực tuyến triển khai ngay tới BHXH các địa phương. Ngay từ lúc này, các DN có thể gửi hồ sơ và đề nghị tới cơ quan BHXH để được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giải quyết nhanh nhất thủ tục xác nhận về thời gian tham gia BHXH của người lao động, DN, để làm cơ sở xét duyệt các chính sách hỗ trợ khác. “Dù miễn đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hay tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất, tất cả các chế độ với người lao động vẫn được đảm bảo”, ông Sơn nói.
Theo BHXH Việt Nam, trong năm 2020, thực hiện Nghị quyết 42 và 154 của Chính phủ, cơ quan BHXH đã giải quyết tạm dừng đóng BHXH đối với 1.847 đơn vị, DN, với hơn 192.500 lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng trên 786 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BHXH đã xác nhận về thời gian tham gia BHXH với hơn 168.100 lao động để người lao động nhận hỗ trợ từ nhà nước và DN vay trả lương cho người lao động.