Ho ra máu suốt 2 năm vì nguyên nhân bất ngờ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ho ra máu dai dẳng suốt 2 năm nhưng thăm khám nhiều nơi không tìm ra nguyên nhân. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã thực hiện nội soi và kéo ra ngoài một chiếc vỏ kẹo.

Ngày 6/4, BS Phạm Thị Vân Thanh, khoa Nội soi Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại đây vừa can thiệp cho một trường hợp rất hiếm gặp. Bệnh nhân là nữ công nhân V.T.X.B. (28 tuổi đang làm việc tại Bình Dương) nhập viện trong tình trạng ho ra máu dai dẳng suốt 2 năm qua. Dù người bệnh đã đi thăm khám nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân.

Thời gian gần đây, tình trạng ho ra máu ngày càng tăng, kèm theo khó thở, bệnh nhân đã đến Chợ Rẫy thăm khám. Trên kết quả CT-Scan ngực các bác sĩ phát hiện người bệnh có tình trạng giãn phế quản ở thùy dưới của phổi trái và chỉ định thực hiện nội soi.

Ho ra máu suốt 2 năm vì nguyên nhân bất ngờ ảnh 1

Mảnh vỏ kẹo nằm xếp lớp trong phổi là nguyên nhân khiến người bệnh bị ho ra máu dai dẳng

BS Vân Thanh cho biết: “Trong lúc soi, chúng tôi tình cờ phát hiện một dị vật xếp thành nhiều lớp nằm ở phế quản thùy dưới bên trái. Sau khi kéo được dị vật ra và kiểm tra thì đó là một chiếc vỏ kẹo nằm xếp lớp. Vỏ kẹo đã gây tắc một nhánh thùy dưới phổi trái, gây viêm nhiễm kéo dài, dẫn tới tình trạng giãn phế quản khiến bệnh nhân ho ra máu”.

Sau khi dị vật được gắp ra, bệnh nhân B. đã ổn định sức khỏe và xuất viện ngay trong ngày. Theo BS Vân Thanh, nếu tắc nghẽn lâu ngày và viêm nhiễm kéo dài, bệnh nhân có thể sẽ bị áp xe phổi, ộc ra mủ và hoại tử phần phổi. Thậm chí, bệnh nhân có nguy cơ tử vong nếu nhiễm trùng phổi nặng, ho ra máu.

Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị dị vật trong phổi, thường gặp nhất là hạt sapôchê (hồng xiêm), hóc xương các loại động vật. Nghiêm trọng hơn, có bệnh nhân đã tử vong vì hội chứng đại thực bào sau khi vô tình nuốt phải mảnh dị vật là vỏ bịch dầu gội đầu trong khi tắm nhưng không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Từ những trường hợp trên, BS Vân Thanh khuyến cáo cộng đồng, khi ăn uống mọi người cần tránh nói chuyện và cười đùa. Đặc biệt, khi ăn những loại trái cây có hạt, cần cẩn thận bóc tách hạt ra. Đặc biệt, hạt sapôchê rất trơn, dễ lọt vào phổi và lại rất khó gắp bằng nội soi. Trong trường hợp bị sặc thức ăn và có hội chứng xâm nhập, người bệnh cần lập tức đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xử lý kịp thời.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.