Làm chưa hết trách nhiệm
Theo ông Thuyền, hiện nay cử tri rất lo lắng về tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng bày bán tràn lan. Đây là vấn đề được nói rất nhiều nhưng suốt cả nhiệm kỳ đến nay không thấy có chuyển biến gì cả.
“Bộ trưởng nói quyết liệt nhưng mọi việc vẫn như cũ”
ĐB Nguyễn Bá Thuyền.
“Nhiều lĩnh vực Bộ trưởng làm rất tốt, nhưng riêng công tác quản lý thị trường thì yếu kém từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cử tri rất bức xúc khi Bộ trưởng lúc nào cũng nói “quyết liệt, quyết liệt” nhưng rồi mọi việc vẫn cứ như cũ”, ông Thuyền chất vấn.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá trăn trở, trước tình trạng phân bón, vật tư nông nghiệp làm giả tràn lan, sử dụng chất cấm vô tội vạ ảnh hưởng đến uy tín và sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Nguyên nhân theo bà Khá là do các biện pháp đấu tranh phòng chống gian lận, buôn lậu, xử lý ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng nhất chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn. Cán bộ chưa làm hết trách nhiệm.
“Chúng tôi đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả đạt được chưa nhiều”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận đây là vấn đề bức xúc của cử tri và nhân dân. Tuy nhiên trong thời gian qua Bộ Công Thương đã có rất nhiều cố gắng.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do độ mở của thị trường ngày càng lớn, mặt trái của nền kinh tế thị trường ngày càng tác động sâu hơn. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là biên giới của ta rất dài, dù đã tăng cường tuần tra kiểm soát nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Thêm nữa, một bộ phận người tiêu dùng, dù nhỏ thôi, vẫn còn tâm lý thích dùng hàng ngoại, vô hình trung làm hàng giả, hàng nhái phát triển. Trong khi một số chế tài, xư lý vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe”, Bộ trưởng Hoàng nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Như Ý.
Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Hoàng cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực, phẩm chất của lực lượng quản lý thị trường, vốn là nguyên nhân chủ quan của vấn đề. Chính phủ dự định cho phép chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành mua sắm thêm trang thiết bị. Đồng thời có đề án nâng cấp Cục quản lý thị trường lên thành Tổng cục để thống nhất quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động. Hy vọng những vấn đề trên sẽ được thực hiện ở nhiệm kỳ sau.
Mặc dù “quyết liệt” nhưng hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả vẫn tràn lan. Ảnh: PV.
Cán bộ giàu nhanh chóng
Nhắc tới vụ Chủ tịch Tập đoàn dầu khí (ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia - PV) mới được bổ nhiệm nhưng đã bị bắt vì vi phạm pháp luật, ông Thuyền tỏ ra băn khoăn vì sao lại có tình trạng trên. “Các đồng chí cứ nói là việc bổ nhiệm làm đúng quy trình. Cử tri rất băn khoăn, lo lắng khi đề bạt cán bộ như vậy”. Ông Thuyền cho rằng, lâu nay chúng ta cứ tạo ra các khuyết điểm và khi khắc phục các khuyết điểm xong thì lại lấy đó làm báo cáo thành tích là rất bất cập.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) thẳng thắn nói cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã tiến hành rất mạnh mẽ nhưng quốc nạn tham nhũng vẫn còn nhức nhối trong đời sống. Cử tri nhận ra rằng, hình như vào những năm cuối của nhiệm kỳ QH, trước Đại hội Đảng các cấp, cuộc đấu tranh này chưa được đẩy lên một bước quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.
“Trong điều kiện bối cảnh đời sống nhân dân còn vô cùng khó khăn, hàng triệu người nông dân, hàng triệu người lao động công nhân đang hàng ngày vật lộn mức lương vài ba triệu đồng thì có nhiều cán bộ của chúng ta, thậm chí cán bộ giữ cương vị rất thấp giàu lên một cách rất nhanh chóng mà không có một trợ cấp khác nào cả là một thực trạng đáng lo ngại”, ông Sơn nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng bày tỏ sự lo lắng về tình trạng lãng phí do những yếu kém về chất lượng quy hoạch. Ông Hùng dẫn chứng: Hiện nay tại Thái Nguyên có một nhà máy xây dựng hơn 8.000 tỷ đồng nhưng đang có nguy cơ trở thành đống sắt gỉ; Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam ở Hải Phòng có nguy cơ đóng cửa. Ký túc xá ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng mới chỉ có một sinh viên đến ở… “Đó là những công trình lớn có giá trị nghìn tỷ còn những công trình nhỏ, có giá trị vài tỷ thì lãng phí cũng rất nhiều”, ông Hùng nói và dẫn ví dụ cụ thể về việc xây dựng cầu treo có tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng ở Hà Tĩnh nhưng chỉ phục vụ cho cho hai hộ dân, trong đó có một hộ dân là cán bộ xã (Đây là vụ việc đã được báo Tiền Phong đề cập trong nhiều số báo). Từ những ví dụ trên, ông Hùng đề nghị làm rõ trách nhiệm và chấn chỉnh công tác quy hoạch….
Hôm nay, những vấn đề được các đại biểu nêu ra ở trên sẽ được các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn.
Ý kiến bên lề
Bên lề kỳ họp, PV báo Tiền Phong ghi nhận ý kiến của ĐBQH về phiên chất vấn trong ngày đầu tiên.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai): Mong Bộ trưởng nhận trách nhiệm
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn về diện tích trồng rừng thay thế dự án thủy điện, tôi thấy xác định chưa rõ. Khi xác định chưa rõ thì việc giải quyết tiếp theo cử tri càng bức xúc. Cần phải xác định diện tích trồng rừng để làm dự án thủy điện là bao nhiêu? Khả năng bố trí trồng rừng thay thế hoặc thu tiền để thay thế diện tích rừng bị mất là bao nhiêu? Phải xem cụ thể trách nhiệm của mỗi bộ đến đâu, giải pháp tiếp theo ra sao? Nếu để lửng lơ như thế chắc cử tri chưa hài lòng. Hai Bộ trưởng trả lời như thế tôi không biết phải trả lời như thế nào với cử tri. Tôi rất mong hai Bộ trưởng trên tinh thần xác định trách nhiệm của mình, trước mắt, phải xác định rõ, báo cáo rõ trước Quốc hội để bổ sung vào nghị quyết.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM): Nhiều vấn đề chưa chuyển biến
Cảm nhận của tôi là rất nhiều vấn đề cử tri phản ảnh, ĐB phản ảnh hoặc chuyển tải kiến nghị cử tri đã được Chính phủ và Quốc hội tiếp thu, điều chỉnh. Nếu Chính phủ, các Bộ, ngành không tiếp thu tốt thì tình hình kinh tế - xã hội không có sự phục hồi được như bây giờ. Nhưng bên cạnh đó cũng còn những vấn đề mà ĐB, cử tri chưa hài lòng. Nhiều vấn đề được đề nghị qua nhiều kỳ vẫn chưa được chuyển biến. Ngành giáo dục cần có sự lắng nghe, cân nhắc hơn nữa, vì giáo dục tác động đến xã hội rất lớn, không chỉ mọi người, mọi nhà mà còn là sự phát triển của con người, của tri thức, của các thế hệ tương lai. Tôi tin là nếu lắng nghe, đừng bảo thủ thì chúng ta sẽ có ít sai sót trong quá trình đổi mới giáo dục.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Nên thận trọng và lắng nghe
Tôi quan tâm đến vấn đề giáo dục. Tất nhiên tôi rất thông cảm với Bộ, đây là công việc rất lớn. Chúng tôi luôn lưu ý Bộ trưởng cần rất thận trọng, vì đối tượng tác động vào là cả một thế hệ. Với một chủ trương rất lớn nhưng hình như Bộ đã quá tự tin nên cảm giác đổi mới giáo dục như là triển khai một dự án, dẫn tới sự chênh trong nhận thức xã hội, gây bức xúc không đáng có. Tôi ví dụ trong tích hợp môn sử, không phải quyền hạn của một Bộ. Vì vậy phải thận trọng, không thể nói giờ tôi làm xong rồi tôi mới trình chỉnh sửa luật, đây không phải tư duy của hành pháp. Tôi cho rằng, điều bất cập của Bộ trưởng chính là cách làm việc. Bộ trưởng nói khi thay đổi, thời lượng môn Lịch sử vẫn rất nhiều, vẫn là môn bắt buộc, nhưng không thi các cháu không học nữa. Như vậy trên thực tế là khai tử. Bộ GD&ĐT nên cân nhắc, thận trọng và lắng nghe.
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Chất vấn còn dàn trải
Đây là phiên chất vấn mang tính tổng hợp lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Vì thế, kể cả câu hỏi và trả lời phải mang tính khái quát cao, đánh giá nhận định có giải pháp cho cả nhiệm kỳ. Bên cạnh ĐB hỏi tương đối trọng tâm thì một số vị như phát biểu lại vấn đề kinh tế-xã hội, không còn ý nghĩa của chất vấn. Chất vấn là quy trách nhiệm người đứng đầu chứ không phải đánh giá lại tình hình, nói lại báo cáo của Chính phủ. Người trả lời cũng phải trả lời theo tinh thần ấy... Tôi có cảm giác chất vấn còn dàn trải, đi vào đánh giá lại toàn bộ hoạt động của Bộ mình, ngành mình trong cả thời gian dài. Ý nghĩa của việc truy đến cùng trách nhiệm không được bao nhiêu. Việc cải tiến chất vấn là tốt, nhưng theo tôi không nên để kéo dài 10 phút mà chỉ nâng lên 3 phút cho mỗi lượt chất vấn.
Dũng Nguyễn- Văn Kiên (ghi)
Đem hình ảnh vào phiên chất vấn
Tại phiên chất vấn chiều 16/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã gây ra sự bất ngờ cho các đại biểu khi trưng ra trước nghị trường hình ảnh cột sóng viễn thông lắp đặt ở các khu dân cư bị gãy gục. Theo ông Phương, việc lắp đặt các cột sóng viễn thông hiện nay còn nhiều bất cập, gây nguy hiểm cho các người dân, cần phải có biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên.
Viện kiểm sát hủy lệnh bắt gần 1.500 người
Báo cáo trước Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hoà Bình cho biết, trong thời gian qua VKS đã thực hiện gần 16.000 cuộc kiểm sát trực tiếp nhà tạm giữ, trại tạm giam. Qua đó Viện đã không phê chuẩn quyết định bắt khẩn cấp hơn 310 trường hợp; hủy quyết định tạm giữ, không phê chuẩn gia hạn tạm giữ gần 800 người; hủy quyết định tạm giữ, yêu cầu trả tự do cho 385 người.
Cũng theo ông Bình, VKSNDTC đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng. Một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình và vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Điển hình như các vụ: Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội). Ông Bình khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Qua đó kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật, thiếu sót trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, nhất là những vi phạm pháp luật dẫn đến oan sai.
Văn Kiên