Hồ Nguyệt Cô theo kiểu Kim Ngọc

Nhóm nhạc tương tác với 2 màn hình led-chiếu hình ảnh nghệ sĩ tuồng 2 thế hệ đóng vai Nguyệt Cô. Ảnh: Thanh Nghĩa.
Nhóm nhạc tương tác với 2 màn hình led-chiếu hình ảnh nghệ sĩ tuồng 2 thế hệ đóng vai Nguyệt Cô. Ảnh: Thanh Nghĩa.
TP - Nhạc sĩ Kim Ngọc loay hoay mất 10 năm để mới đây cho ra mắt trình diễn âm nhạc “Hồ nguyệt cô hóa cáo” thời lượng 20 phút. Nữ nghệ sĩ khẳng định nghệ thuật mà chị theo đuổi không để phục vụ số đông khán giả và sự xuất hiện tăng dần những nghệ sĩ “vẩn vơ phù phiếm” như chị là dấu hiệu xã hội đang phát triển.

Kim Ngọc là nhạc sĩ đầu tiên và duy nhất ở VN theo đuổi thể loại “Âm nhạc - sân khấu” (music theatre). Khác với nhạc kịch opera và Broadway, “âm nhạc-sân khấu” tới đầu thập kỷ 60 mới  xuất hiện. Ở thể loại này tác phẩm sử dụng nghệ thuật đa phương tiện và yếu tố sân khấu (nhưng không phải tính kịch) đóng vai trò quan trọng.

Không phải nhạc kịch

Trên sân khấu có hai màn hình video và nhóm hòa tấu “Ha Noi New Music Ensemble” . Ở màn hình thứ nhất chiếu hình nghệ sỹ tuồng Mẫn Thu ăn mặc đời thường, giảng vai Hồ Nguyệt Cô cho diễn viễn thế hệ hiện tại. Trên màn hình thứ hai  phía trước sân khấu là hình ảnh nghệ sỹ trẻ Lộc Huyền diễn hai trích đoạn tiêu biểu của vai Nguyệt Cô. Ở đoạn Hồ Nguyệt Cô lả lơi tán tỉnh Tiết Giao, nhạc công violin đứng dậy kéo đàn hóa thân thành kẻ giăng tình. Tiết Giao chính là tiếng violon à ơi đối thoại với Nguyệt Cô trên màn hình khiến nàng sập bẫy tình để mất ngọc vào tay “trai đẹp”. Trong số nhiều khoảnh khắc não nề, âm thanh nhạc tuồng “nặng đô” thì cảnh violin hóa Tiết Giao và hiệu ứng video quay chậm vũ đạo  của Nguyệt Cô khiền khán giả giảm bớt áp lực “căng và khó hiểu”.

Có một số người nhầm trình diễn Hồ Nguyệt Cô là phim câm có nhạc phụ họa,  nhạc sĩ Kim Ngọc đưa ra cách phân biệt: phim câm nếu bỏ nhạc vẫn là tác phẩm độc lập, người xem vẫn hiểu nội dung. Còn “Hồ Nguyệt Cô” của Ngọc tự dưng thiếu nhạc thì chẳng ai hiểu gì.
Theo nghệ sỹ Kim Ngọc, chị có mối quan tâm dai dẳng với chủ đề phụ nữ. Lần này “Hồ Nguyệt cô hóa cáo” không mới - vẫn là về phụ nữ - nhưng là đích đến của  một chặng đường 10 năm kể từ sau trình diễn “âm nhạc - sân khấu” “Ai đem con  nhện giăng mùng” (2007) và Thế giới Mỵ Châu (2011) cùng một loạt các tác phẩm music theatre khác. Theo Kim Ngọc, chặng đường đó để đi tới với sự giản dị và đi vào cái cốt lõi hơn trong ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình.

“Tại sao phải mất đến mười năm?”. “Tôi từng lớn lên và được đào tạo bằng nền âm nhạc châu Âu, vào đại học mới biết về âm nhạc truyền thống, tôi học đàn tranh chơi nhạc tài tử học hát chèo. Tôi nhận thấy khoảng cách khác biệt giữa hai nền tảng văn hoá đông - tây quá lớn và mình bị chơi vơi ở giữa. Đã rất nhiều nghệ sỹ thử kết hợp hai loại hình văn hóa này nhưng tác phẩm vẫn chỉ là những miếng ghép gượng ép về hình thức mang tính “sản vật phương xa” mà đánh mất đi cái cốt lõi tinh tuý của phương Đông. Lần này tôi  thấy mình đã chạm được tới được điểm đó, cái điểm cực mong manh khiến hai nền tảng này không thao túng lẫn nhau và trở thành như một “cơ thể” duy  nhất, một “khối” thống nhất, một ngôn ngữ biểu đạt vừa lạ vừa cũ, vừa mới vừa truyền thống, chuyên trở hiệu quả chủ đề mà tôi quan tâm - Tính Nữ. 

Nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi cho biết, mặc dù chị là tác giả hiệu ứng video nhưng tới tận đêm diễn “Hồ Nguyệt Cô” chị mới xem trọn vẹn. “Tôi thấy phần kết hợp đương đại và tuồng hoàn toàn ổn”.

Hồ Nguyệt Cô theo kiểu Kim Ngọc ảnh 1 Nghệ sĩ Kim Ngọc (bìa trái). Ảnh: Hải Nam.

Nghệ thuật cho “100 người xem”

Có khán giả sau đêm diễn, bình luận đại ý chị thấy tự hào vì tác phẩm Việt hay hơn cả 2 tác phẩm music theatre quốc tế trong cùng đêm diễn nhưng ước tác phẩm không dừng ở thể nghiệm mà nên làm cho hoành tráng hơn, đã hơn. Kim Ngọc phản hồi luôn rằng khái niệm “thể nghiệm” không có nghĩa là cái đang thử, chưa hoàn thiện, đây là tác phẩm hoàn chỉnh. Chị không có ý định biến nó thành một sản phẩm “sâu bít” hoành tráng vì - theo Kim Ngọc -  như thế nó (tác phẩm) sẽ không còn là nó nữa.

“Nghệ thuật là câu chuyện và quan điểm hết sức cá nhân. Tôi làm tác phẩm trước tiên là để thể hiện những cảm quan và phản hồi cảm thức cá nhân đó. Và rồi để chia sẻ với những người có thể tìm thấy ở tác phẩm của  tôi một môi sinh cho đời  sống tinh thần của họ, chứ không nhằm mục đích phục vụ khán giả đại chúng. Dịch vụ và công nghệ giải trí không phải việc tôi làm và cũng không phải “tạng” của tôi”.

Ở VN những nghệ sĩ nghệ thuật thể nghiệm như chị thường xuyên bị đám đông nghi ngờ về ý nghĩa của sự tồn tại. Ở các nước phát triển có hệ thống bảo trợ phát triển đa dạng nếu không phải là nguồn lực từ chính phủ thì cũng là do các chính sách vĩ mô về phát triển con người và văn hoá mà họ tập trung phát triển rất mạnh các loại hình nghệ thuật được cho là “không phổ thông” thế này. Tại đó chả ai đặt câu hỏi “ông/bà làm tác phẩm cho 100 người xem để làm gì?”

Cách đây 10 năm xem trình diễn âm nhạc “Ai đem con nhện giăng mùng” khán giả hầu như chẳng hiểu gì (Kim Ngọc dẫn lời phóng viên). “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” lần này bán vé 100.000 đồng mà khán phòng 250 chỗ của L’Espace (Trung tâm văn hóa Pháp) hết vé, một số người xem ngồi kín cả lối đi. “Sự xuất hiện nhiều hơn số nghệ sĩ bị coi là “làm những việc vô nghĩa” như tôi là dấu hiệu của xã hội phát triển” -  nhạc sĩ Kim Ngọc khẳng định.

Khách mời đặc biệt của dự án “Âm nhạc- sân khấu” lần này có giám đốc liên hoan âm nhạc - trình diễn Munchener Biennale (Đức), nhà soạn nhạc Manos Tsangaris. Nghệ sĩ Manos nói với Kim Ngọc: “Nhạc đương đại của bạn đi theo hướng kết hợp với âm nhạc văn hóa truyền thống, các nhạc sĩ trẻ của VN nên được chứng kiến công việc của bạn, sẽ rất tốt cho họ”. Ông Manos nói thêm, nhiều nhạc sĩ châu Á sang châu Âu làm nhạc thường để mất đi cái gốc rễ của mình và như thế không còn hay nữa”.

Kim Ngọc cho biết, tháng 10 tới, trước khi trình diễn đợt 2, chị sẽ chỉnh sửa lại một số chi tiết kỹ thuật để Hồ Nguyệt Cô thơ hơn chút nữa, sâu hơn chút nữa, tĩnh hơn chút nữa.

MỚI - NÓNG