Tùng “điên” làm nhạc kịch

Họa sĩ Hoàng Hà Tùng.
Họa sĩ Hoàng Hà Tùng.
TP - Hoàng Hà Tùng được bạn bè trong giới “âu yếm” gọi bằng cái tên Tùng “điên”. Điên từ ngoại hình không giống ai đến máu liều, dám làm những thứ không ai làm trong nghệ thuật. “Chuyện của dòng sông đỏ” được xem là một “cơn điên” mới của vị họa sĩ này.

“Có thể gọi nó là operetta hoặc operu gì cũng được!”

Hoàng Hà Tùng mở đầu câu chuyện bằng cách gọi tên dự án âm nhạc mà mình đang đảm nhận vai trò tổng đạo diễn. “Đó là một chương trình nhạc kịch hoàn toàn mới. Là operetta nhưng theo kiểu Việt Nam vì sẽ có hề chèo dẫn chuyện… Nó mới mẻ, nên người ta có thể gọi là operetta hay operu gì cũng được. Tên gọi không quan trọng, quan trọng là khán giả có thấy hay, thấy thú vị không”- ông nói.

Hỏi ông, sao đang là một họa sĩ có nghề và bán tranh đắt khách, lại chuyển qua làm đạo diễn âm nhạc, Hoàng Hà Tùng cho biết, sau 40 năm công tác tại Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, gắn bó với hàng trăm chương trình ca nhạc, ông đã ấp ủ dự định làm một vở kịch hát đậm chất Việt. Ở đó, sẽ không có lời thoại hay xung đột kịch mà câu chuyện được thể hiện bằng những tình huống sân khấu, những va đập của ánh sáng và âm nhạc.

Nhiều năm gắn bó với những chương trình âm nhạc lớn nhỏ nên Hoàng Hà Tùng hiểu rằng khán giả đang cần “món ăn” mới để thay đổi khẩu vị, chứ không chỉ đơn thuần là ca sĩ ra sân khấu hát và có múa phụ họa phía sau.

Sau 5 năm “thai nghén”, đến nay, “Chuyện của dòng sông đỏ” đã bắt đầu có hình hài. “Tôi đứng tên tổng đạo diễn lần này vì muốn phải chịu trách nhiệm, chứ không phải cho oai. Tôi muốn làm một cương vị khác, cuộc chơi của riêng tôi. Tôi không tham vọng đột phá nhưng phải hoàn toàn mới mẻ”- Hoàng Hà Tùng chia sẻ.

“Chuyện của dòng sông đỏ” dài khoảng 145 phút, với kết cấu 10 bài hát, 3 điệu múa. Chuyện kịch xảy ra trên một con thuyền và một dòng sông đỏ. Trời đang trong xanh thì cơn bão đến và con người sống trên sông ứng xử với cơn bão như thế nào... Không chỉ có nắng mưa, bão giông, trên sông còn có tình yêu, tình người. Chủ đề là dòng sông, chuyện của dòng sông nhưng ý tứ sâu xa vẫn là cuộc đời, là số phận người trong dòng chảy của xã hội, lịch sử.

Vở nhạc kịch gồm ba màn, sáu cảnh. Nhân vật chủ đạo trong màn 1 là Nhà vua do ca sĩ Tấn Minh đảm nhiệm. Màn 2, với sự xuất hiện của Hoàng hậu, phi tần, các hoàng tử do Lô Thủy, Thanh Thanh Hiền, Khánh Linh, Hoàng Bách, Đình Tùng thể hiện. Màn 3, là đất diễn của ca sĩ Tùng Dương trong vai Hoàng tử út. Không chỉ hát, ở màn này ca sĩ Tùng Dương còn thể hiện khả năng múa và diễn kịch. Xuyên suốt vở nhạc kịch là vai trò của diễn viên Thu Huyền trong vai Tông quản (hề chèo dẫn chuyện).

Điểm khác biệt của vở nhạc kịch này là màu sắc âm nhạc mang dấu ấn riêng của từng nhạc sĩ được viết “đo ni, đóng giày” cho các ca sĩ trong các nhân vật. Nếu như một số vở nhạc kịch Việt Nam gần đây thu âm sẵn, diễn viên chỉ hát “nhép”, thì ở nhạc kịch của Hoàng Hà Tùng, tất cả các ca sĩ đều phải hát, phải diễn bằng tất cả nội lực thực sự trên sân khấu.

Tùng “điên” làm nhạc kịch ảnh 1 Hoàng Hà Tùng làm đạo diễn cho đêm nhạc của Nguyễn Cường tại Nhà hát Lớn năm 2016. Ảnh: Nhã Khanh.

 “Cơn điên” mới

Tham gia dự án của Hoàng Hà Tùng là các nghệ sĩ có tên tuổi như nhạc sĩ Trọng Đài, Nguyễn Cường, Lưu Hà An, Lê Minh Sơn, Giáng Son… ; các ca sĩ Tùng Dương, Tấn Minh, Lô Thủy, Thanh Thanh Hiền, Khánh Linh, Hoàng Bách, Đình Tùng… Họ là những người bạn, những đồng nghiệp đã làm việc cùng ông qua nhiều dự án nên rất hiểu nhau, đều đam mê nghệ thuật và chấp nhận “điên” cùng Hoàng Tùng. “Nhiều người nói tôi đang đi trên dây thép nhưng tôi nghĩ nếu cứ sợ mà không đi thì chẳng bao giờ đến. Làm nghệ thuật mà không tự tin thì sẽ không thành công. Tôi tự tin vì có những người bạn sát cánh bên mình” - Vị tổng đạo diễn hào hứng. 

Không phải tự dưng người ta nói Hoàng Hà Tùng liều. Tất cả chương trình chỉ được tập… 1 lần trước đêm diễn, bởi đạo diễn “không muốn làm mất đi cảm xúc ban đầu và cái phiêu của ca sĩ khi nhập vai trên sân khấu”. Tất nhiên, mỗi người đã được nhận bài và tự tập trước phần diễn của mình nhưng việc ông trao trọn niềm tin cho ca sĩ cũng khiến nhiều người phải kính nể.   

Tùng “điên” cũng khiến người ta choáng khi chi trả 40 triệu đồng/bài hát cho nhạc sĩ - cao gấp 4, 5 lần so với giá nhà nước. Ông bảo, vì mình cũng là dân sáng tác, lại gắn bó bao năm với sân khấu biểu diễn nên hiểu được các nhạc sĩ thiệt thòi như thế nào.

Chính vì xông xênh với anh em nên dự toán cho vở nhạc kịch đã lên đến… gần 4 tỉ. Theo chia sẻ của đạo diễn, số tiền này được huy động từ nguồn xã hội hóa do chính ông kêu gọi. Tổ chức sản xuất là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, còn đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất là 2 công ty tư nhân trong đó có công ty của… vợ ông. Ngoài ra, nguồn tiền dựng vở còn được lấy từ tiền bán tranh của chính họa sĩ Hoàng Hà Tùng.

Để sòng phẳng trong “cuộc chơi” của mình, Tùng “điên” cũng sẽ không phát hành vé mời. “Tôi từng chứng kiến nhiều bộ phim, nhiều chương trình khi phát vé mời thì xem xong ai cũng khen, không thấy chê một lời nào. Vì họ được mời mà, chê làm gì cho mất lòng. Nên tôi muốn khán giả tự bỏ tiền mua vé, đến xem và nếu không hay, không thích thì có thể góp ý, thậm chí chửi. Tôi muốn làm một cuộc đo khán giả. Có thể tôi sẽ hy sinh anh dũng, nhưng cũng sẽ giúp những người đi sau hiểu ra nhiều điều”- đây là cái lý của ông.

Giọng nói sang sảng như thanh niên và luôn xuất hiện “xì tin” trong phong cách quần yếm hoa, nhưng ít ai biết Hoàng Hà Tùng đang vẫn từng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư tủy quái ác. Uống thuốc thay cơm, nhưng ông bảo, chính những phấn khích mang lại khi sáng tạo nghệ thuật mới là liều thuốc hữu hiệu nhất giúp ông đứng vững đến lúc này. “Tôi nghĩ không thể làm những điều lớn lao trong một cơ thể ốm yếu. Và thật may là tôi luôn cảm thấy mình khỏe mạnh. Còn khỏe còn làm, mà càng làm càng khỏe”. Rồi ông khoe, tháng 9 này sẽ mang tranh đi triển lãm ở Hà Lan. Và nếu “Chuyện của dòng sông đỏ” thành công, biết đâu, Tùng “điên” sẽ lại có những “cơn điên” ngọt ngào khác nữa.

Họa sĩ Hoàng Hà Tùng từng làm đạo diễn cho đêm nhạc Nguyễn Cường “Tuổi thơ tôi Hà Nội” tại Nhà hát Lớn (2016) và tham gia đạo diễn nhiều chương trình ca nhạc của Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam. “Chuyện của dòng sông đỏ” được ông dàn dựng trong 2 tháng. Hiện tại, đã hoàn thành phần sáng tác và hòa âm. Chương trình sẽ diễn ra trong 2 đêm 29 và 30/7 tại Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội.

MỚI - NÓNG