Hồ chứa nước ‘phơi bụng’, ruộng đồng bỏ hoang vì nắng nóng kéo dài

Hồ chứa nước ‘phơi bụng’, ruộng đồng bỏ hoang vì nắng nóng kéo dài
TPO - Đợt nắng nóng đỉnh điểm kéo dài hơn 2 tháng qua tại tỉnh Quảng Bình đã khiến mực nước tại các hồ chứa xuống mức báo động, một số hồ cạn trơ đáy, nhiều diện tích đất khô cằn nứt nẻ không thể sản xuất, người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Hồ chứa nước “phơi bụng”

Thời tiết nắng nóng kéo dài hơn 2 tháng qua và ít mưa từ đầu năm tới nay khiến mực nước tại các đập, ao, hồ, sông suối tại Quảng Bình luôn ở mức thấp. Nhiều hồ chứa do không kịp tích nước từ năm trước đến năm nay đã cạn kiệt, trơ đáy.

Hồ chứa nước ‘phơi bụng’, ruộng đồng bỏ hoang vì nắng nóng kéo dài ảnh 1 Nhiều hồ chứa nước tại Quảng Bình cạn kiệt nước, trơ đáy.

Theo thống kê của huyện Quảng Trạch, mực nước tại các hồ chứa lớn của địa phương đang ở mức rất thấp. Cụ thể, tại các hồ Vực Tròn, Tiên Lang, Trung Thuần mực nước chỉ đạt từ 17 đến 18%.

Ông Nguyễn Xuân Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, lường trước được mùa hạn năm nay sẽ diễn ra phức tạp, huyện đã lên nhiều phương án chóng hạn. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài và không có mưa khiến mực nước dự trữ tại các đập chứa, ao hồ cạn kiệt.

“Huyện đã có kế hoạch tích trữ nước để sử dụng cho tưới tiêu và sinh hoạt song hạn hán năm nay quá phức tạp từ năm ngoái đến nay lượng mưa ít nên mực nước tại các hồ chứa luôn ở mức thấp. Hiện nước dự trữ tại các hồ chứa gần như đã sử dụng hết, một số hồ đã cạn kiệt trơ đáy”, ông Đạt chia sẽ.

Không riêng huyện Quảng Trạch, tình trạng thiếu nước còn diễn ra tại các đập chứa, ao hồ của các địa phương khác như huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh.

Hồ chứa nước ‘phơi bụng’, ruộng đồng bỏ hoang vì nắng nóng kéo dài ảnh 2 Hồ chứa nước Bàu Sen, huyện Bố Trạch không còn nước để tưới tiêu.

Ghi nhận tại huyện Bố Trạch, các hồ đập chứa tại đây cũng trong tình trạng khan hiếm nước. Các hồ Khe Tắt, Đồng Suôn, Khe Nước, Cồn Roọng, Bàu Bàng mực nước luôn ở mức thấp báo động.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới tiêu diễn ra phức tạp như hiện nay, nhiều địa phương đã lên phương án nạo vét, cải tạo lòng hồ, lòng sông sẵn sàng tích nước khi có mưa.

Ông Phan Văn Duẫn - Chủ tịch UBND xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch cho hay, hồ Bàu Bàng là hồ chứa cung cấp nước tưới cho đa số diện tích đất sản xuất cho địa phương. Nhưng hiện tại hồ chứa này đã cạn trơ đáy, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của bà con. Để khắp phục tình trạng này, mới đây xã đã lên phương án nạo vét, cải tạo lòng hồ Bàu Bàng và đã được tỉnh phê duyệt.

“Mấy năm gần đây thời tiết khắc nghiệt, tình trạng thiếu nước diễn ra liên tục, một trong những nguyên nhân chính là do dung tích hồ chứa nhỏ không đủ tích nước trong mùa mưa. Đến mùa hạn lượng nước tưới không đủ khiến nhiều diện tích đất sản xuất phải bỏ hoang. Do vậy, xã đã lên phương án nạo vét, cải tạo lòng hồ nhằm mở rộng dung tích chứa. Khi dự án được hoàn thành sẽ đảm bảo nước tưới trong mùa khô và điều tiết nước vào mùa lũ”, ông Duẫn nói.

Gần 4.000 hecta hoa màu bị đe dọa

Thời tiết nắng nóng kéo dài và thiếu nguồn nước tưới đã gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân Quảng Bình. Trong đó, một số diện tích đất vì thiếu nước đã không thể canh tác phải bỏ hoang, số diện tích đất đã canh tác đến nay lại thiếu nước tưới đứng trước nguy cơ mất trắng.

Hồ chứa nước ‘phơi bụng’, ruộng đồng bỏ hoang vì nắng nóng kéo dài ảnh 3 Nhiều diện tích ruộng phải bỏ hoang vì không có nước để sản xuất.

Chỉ tay vào đám ruộng lúa bị cháy sém, vàng úa vì nắng nóng và thiếu nước bà Hoàng Thị Mai (48 tuổi, trú xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch) than thở, nhà làm hơn 5 sào ruộng lúa mà từ khi gieo xạ đến nay gần 2 tháng bà phải ăn ngủ ngoài ruộng để chờ lấy nước cứu lấy diện tích lúa đã xuống giống.

“Từ khi xuống giống đến nay do nguồn nước tưới tiêu khan hiếm nên cán bộ thủy lợi chỉ mới cho tưới hai lứa nước. Nước hiếm nên khi chạy thủy lợi, bà con ai nấy ra đồng túc trực ngày đêm với hi vọng có nước vào ruộng kịp thời cứu lấy số lúa đang đứng trước nguy cơ cháy lụi vì nắng. Riêng nhà tôi trực trắng đêm ngoài ruộng cả tháng nay mà chỉ mới lấy được một lứa nước, khi có nước tôi bỏ ngay phân bón để lúa có sức mà tược lại. Ruộng nhà tôi gần mương nước còn đỡ chứ nhiều nhà ruộng ở xa nước chưa kịp tới thì đã hết, đành chấp nhận để ông trời quyết định”, bà Mai than.

Hồ chứa nước ‘phơi bụng’, ruộng đồng bỏ hoang vì nắng nóng kéo dài ảnh 4 Trong khi diện tích lúa đã xuống giống cũng đứng trước nguy cơ mắt trắng vì nắng nóng và khô hạn.

Không chỉ thiếu nước sản xuất, hiện nay nguồn nước sinh hoạt của người dân Quảng Bình đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tại thôn Đức Phú 3, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa hơn 200 hộ dân chủ yếu sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn nước giếng và dẫn trên suối về. Năm nay, mưa ít nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ngầm bị tụt xuống thấp khiến hầu hết các giếng nước bị cạn nước. Mọi người phải mua bình nước loại 20 lít với giá 15 ngàn đồng/1bình để ăn uống.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình, đợt hạn năm nay có hơn 4.000 hecta lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó hơn 1.000 hecta lúa thiếu nước trầm trọng có nguy cơ mất trắng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Khoa - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết, địa phương nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp chống hạn cụ thể cho từng khu vực. Trước mắt sẽ rà soát và đánh giá mức độ hạn của từng địa bàn, tập trung nạo vét, duy tu bảo dưỡng các hồ chứa, đập thủy lợi. Tổ chức điều tiết nước đảm bảo tối thiểu mức độ thiệt hại cho cây trồng.

Đứng trước cơn đại hạn năm nay, tỉnh Quảng Bình cho biết đang xin kinh phí chống hạn từ Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông Thôn để sớm cứu hạn cho người dân.

MỚI - NÓNG