Hô bài chòi giữa đảo xanh

Những giờ rảnh rỗi, gia đình ông Phước, bà Hoa lại quây quần bên nhau hô hát bài chòi. Ảnh: Hoài Văn
Những giờ rảnh rỗi, gia đình ông Phước, bà Hoa lại quây quần bên nhau hô hát bài chòi. Ảnh: Hoài Văn
TP - Mỗi buổi chiều tàn, khi những chiếc ghe đã được kéo lên bờ, công việc nhà cũng tạm xong xuôi, ông Trần Hữu Phước, 47 tuổi, ở đảo Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) lại ra phía hiên nhà ngồi hát mấy điệu bài chòi cổ.

Vợ ông, bà Lê Thị Hoa, cùng các con cũng nhập cuộc, tiếng bài chòi vang lên từ căn nhà nhỏ giữa hòn đảo bao quanh là sóng biển mênh mông.

Bỏ rượu bia, thuốc lá theo hát bài chòi

Mân mê tấm thẻ bài chòi trên tay, ông Phước nhớ lại cũng gần 40 năm ông gắn bó với bài chòi. Từ bé khi nghe giọng hát bài chòi cổ của bà nội rồi hát theo, rồi mê mẩn đến giờ. Mê hát, ông đi khắp, tìm gặp những người già trên đảo để sưu tầm tất cả những câu hát bài chòi. Vào những dịp lễ, tết hội bài chòi được tổ chức, ông cũng không vắng buổi nào. Thấy chất giọng ấm, truyền cảm lại thuộc nhiều câu bài chòi nên ông Phước cũng được chọn làm anh hiệu tham gia cuộc chơi.

Trong cuộc chơi, “anh hiệu” là người hô những câu hát ứng với từng con bài như: Nhứt trò, Nhì bí, Tam quảng… Bài chòi thu hút khách bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù của mình trong các làn điệu: Xuân Nữ, hò Quảng, Xàng xê, cổ bản và cùng các làn điệu dân ca như: Lý thương nhau, Vọng kim lang, Hò tát nước…

Là người chủ trì các hội bài chòi, anh hiệu phải nhớ và thuộc nhiều câu hát khác nhau, ứng với ý nghĩa của các thẻ bài. Ngoài ra, cần phải biết ứng biến với từng người chơi, biết áp dụng các trích đoạn hát bội cổ, các bài ca dao vào những chỗ hợp lý. Chơi bài chòi là chơi hội, nên các anh hiệu cũng luôn phải tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái cho tất cả mọi người bằng các câu hát của mình. “Để trở thành nhân vật anh hiệu trong bài chòi, cần phải luyện tập rất công phu. Bản thân tôi từ nhỏ đã tuyệt đối không uống bia rượu, cà phê để giữ giọng”- ông Phước chia sẻ.

Giấc vọng bài chòi từ đảo

Năm 2011, hay tin Trung tâm văn hóa thành phố Quy Nhơn mở lớp học bài chòi, ông Phước liền đăng ký tham gia, rồi quay về tại đảo để cùng ngư dân thành lập Hội Bài chòi dân gian trên đảo Cù Lao Xanh, xã Nhơn Châu.

“Bài chòi hay lắm, đã nghe là nghiền, bỏ bùa tôi mấy chục năm trời, nhưng mà có bùa tôi cả đời cũng chả sao. Chẳng thế mà tôi có được bả bên cạnh cũng một phần nhờ những câu hát bài chòi đấy” – ông Phước cười nhìn về người vợ đang ngồi bên cạnh.

Bà Lê Thị Hoa – vợ ông cũng lớn lên với những câu hát bài chòi. Bà thuộc mềm lòng những câu hát từ mẹ, lớn lên tham gia đội Ca khúc Cách mạng cùng ông Phước. Rồi nên duyên vợ chồng. Để thỏa đam mê, vợ chồng ông tham gia các đoàn bài chòi, cải lương không chuyên khắp tỉnh. Đến năm 2011, được mời tham gia lớp tập huấn hô hát bài chòi dân gian do Sở VHTT&DL Bình Định tổ chức. Từ đó đến nay, cứ mỗi dịp cuối tuần, vợ chồng ông Phước, bà Hoa lại rời đảo vào đất liền biểu diễn phục vụ người dân và du khách. Mỗi chuyến như vậy ông bà được trả 250 nghìn đồng/người. Số tiền không nhiều nhưng được hát, được sống với đam mê. Hát cho mọi người nghe, hiểu và yêu môn nghệ thuật dân gian độc đáo này” – bà Hoa nói.

Chỉ tay vào những tấm bằng khen của các thành viên trong gia đình về hát bài chòi như danh hiệu Nghệ nhân xuất sắc hô hát bài chòi và chạy hiệu tỉnh Bình Định năm 2012; giải nhì Liên hoan dân ca Bài chòi năm 2014 do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức. Con trai ông bà là Trần Huệ Thiên hiện là giáo viên dạy nhạc của trường THCS Nhơn Châu cũng đạt giải Ba tại liên hoan này.

Anh Thiên là con trai đầu cũng là người “nhiễm” nhiều nhất đam mê bài chòi, thường xuyên theo ba mẹ đi hát. Con trai thứ Trần Quang Nhơn hiện là sinh viên trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định mê bài chòi nên cũng thường đi hát cùng ba mẹ. Hai cô con gái cũng đang học đàn nhị, trống làm nhạc công cho các hội diễn. Mỗi khi công việc rảnh rang, cả nhà lại quần tụ bên nhau hô bài chòi, niềm vui như không ngớt trong ngôi nhà nhỏ, tiếng hô hát lẫn quyện với tiếng sóng vỗ ngoài kia như không dứt.

Cả hai vợ chồng đều là nghệ nhân, nhưng ca hát không đủ nuôi gia đình. Ngoài đi hát, ông Phước đi biển kiếm thu nhập thêm. Ông hiện cũng là Phó chủ tịch Hội nông dân xã. Điều mà hai vợ chồng nghệ nhân đều băn khoăn là Hội Bài chòi dân gian xã Nhơn Châu do vợ chồng ông thành lập từng hoạt động rất hiệu quả nhưng đến nay không còn kinh phí để duy trì hoạt động. “Sợ rằng mai này rồi thì rải rác người chơi mà mai một dần nghệ thuật hát bài chòi thì tiếc quá” – ông Phước trầm ngâm.

MỚI - NÓNG