Áp lực vô cùng lớn
Sau gần một năm cầm quân, ông Park Hang Seo đã đưa bóng đá Việt Nam đi qua hết niềm vui này tới niềm vui khác. Đầu tiên là ngôi vị Á quân VCK U23 châu Á 2018 (Trung Quốc) và mới đây trên đất Indonesia, nhà cầm quân người Hàn Quốc tiếp tục đưa Olympic Việt Nam vào tới Bán kết Asiad 2018. Cả hai đều là những cột mốc mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Thực ra, thành công lớn nhất của ông Park là đã giúp bóng đá Việt Nam tạo nên một thế hệ ngôi sao mới như Quang Hải, Duy Mạnh hay Bùi Tiến Dũng… bên cạnh lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh của HAGL, vốn đã sẵn được mến mộ. Về mặt chuyên môn, VCK U23 châu Á 2018 và Asiad 2018 đều là những giải đấu cấp độ trẻ. Bởi vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng, cần phải đợi tới AFF Cup 2018 để có thể chứng thực được năng lực của bóng đá Việt Nam, cũng như tài cầm quân của ông Park Hang Seo.
Dĩ nhiên, chỉ nhìn vào cách nhà cầm quân người Hàn Quốc “điều binh, khiển tướng” ở hai giải đấu vừa qua, những người khó tính nhất cũng không thể không ngợi khen. Bên cạnh chuyên môn, ông Park còn “ghi điểm” ở khả năng quản lý đội bóng cũng như giải quyết các mối quan hệ liên quan. Đây có lẽ là sự khác biệt của một HLV đến từ nền bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu lục. Các đồng nghiệp Việt Nam ắt có thể học được từ ông Park nhiều kinh nghiệm, cả về chuyên môn cũng như ngoài sân cỏ.
Nhưng như nói trên, AFF Cup 2018 có tính chất rất khác biệt so với 2 giải đấu thành công vừa qua của HLV Park Hang Seo. Mức độ cạnh tranh của giải Vô địch Đông Nam Á vô cùng lớn. Thái Lan, Malaysia hay Indonesia và thậm chí cả Myanmar đều là những đối thủ rất khó chịu đối với Việt Nam. Bên cạnh đấy, áp lực đối với ông Park và các học trò đã tăng lên rất cao, như chính thừa nhận của nhà cầm quân người
Hàn Quốc.
Một đơn cử như tại Asiad 2018, HLV Park Hang Seo và các học trò không phải nhận bất kỳ chỉ tiêu nào từ VFF. Tuy nhiên ở giải đấu sắp tới, nhiệm vụ đặt ra đối với ông Park là phải đưa đội tuyển Việt Nam vào tới trận Chung kết, hướng tới chức vô địch.
Dấu hỏi về chiến thuật
Với 12 pha lập công ở V-League 2018, Công Phượng đang là chân sút nội có hiệu suất ghi bàn cao nhất, bên cạnh Tiến Linh (Bình Dương) hay Quang Hải (Hà Nội). Lẽ dĩ nhiên, ông Park không thể bỏ qua tiền đạo HAGL trong chiến dịch tranh cúp vàng AFF Cup 2008. Bên cạnh Công Phượng, HAGL sẽ tiếp tục đóng góp những gương mặt quen thuộc như Lương Xuân Trường, Văn Thanh hay Văn Toàn.
Tuy nhiên, các nguồn tin rò rỉ cho biết ở giải đấu sắp tới, chiếm số đông ở đội tuyển Việt Nam sẽ là các cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội, như Văn Quyết, Duy Mạnh, Quang Hải, Văn Hậu, Thanh Chung… tổng cộng tới 9 cầu thủ. Đây không hề là chuyện lạ khi Hà Nội cho thấy sự vượt trội ở V-League 2018. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới một câu hỏi là liệu HLV Park Hang Seo có giải quyết được hài hoà mối quan hệ giữa các vị trí trên sân trong tổng hoà chiến thuật của đội bóng.
Các cầu thủ chỉ trở nên xuất sắc và đạt hiệu quả cao nhất khi được bố trí đúng vị trí, trong một sơ đồ chiến thuật thích hợp. Người ta đã thấy Lương Xuân Trường trở nên yếu đuối như thế nào khi phải chơi không đúng sở trường ở Asiad 2018. Hoặc như trường hợp Quang Hải cũng không thể hiện được hết khả năng khi bị kéo lùi quá sâu ở hàng tiền vệ. Công Phượng cũng không ngoài quy luật trên. Đây đều là những bài toán cần lời giải từ HLV Park Hang Seo.
Thành tích ở AFF Cup 2018 có thể tác động tới các chi tiết trong bản hợp đồng tương lai của HLV Park Hang Seo với VFF. Đây sẽ là thử thách lớn nhất của nhà cầm quân Hàn Quốc từ trước đến nay.