Hình tượng dê thách thức nghệ sỹ

Tác phẩm của Lê Trí Dũng.
Tác phẩm của Lê Trí Dũng.
TP - Nhân năm Mùi, các họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Đỗ Phấn, Lê Trí Dũng và nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên chia sẻ về những suy ngẫm và những thách thức khi sáng tạo với hình tượng con dê.

Dê là loài vật rất gần gũi với đời sống con người, anh hay sáng tác về dê trong hoàn cảnh nào?

Đỗ Phấn: Không chỉ dê mà tất cả các con giáp tôi thường vẽ vào dịp cuối năm. Khi mà công việc trong năm đã tạm khép lại. Vẽ tranh con giáp như một thú chơi khoáng hoạt đón mừng năm mới mừng người thân và bạn bè. Tranh con giáp đã nghiễm nhiên trở thành một hoạt động đều đặn của tôi trong vòng vài chục năm nay.

Lương Xuân Đoàn: Thực ra tôi không phải là họa sỹ hay vẽ dê, mặc dù với tư cách nghề nghiệp tôi có những phác thảo, nghiên cứu về con vật rất đẹp về tạo hình này. Tôi thích con ngựa từ nhỏ, qua những hình ảnh ngựa ở đền, phủ và ngựa hàng mã. Hồi đi bộ đội ở miền núi tôi vẽ nhiều ngựa, còn hồi đóng quân ở đảo Hòn Tre tôi lại vẽ nhiều cừu.

Lê Trí Dũng: Tôi cũng thường vẽ các con giáp vào dịp trước Tết âm lịch độ 2 tháng, lúc đó khí Xuân đã về, trời se lạnh, đào bắt đầu nở. Các con giáp không phải con nào cũng gây cảm hứng như nhau, Ngựa, Rồng, Hổ, Gà… luôn gây hào hứng cho người vẽ… còn Khỉ, Rắn, Chuột… thì mệt, phải vắt óc tìm cách vẽ. Nhưng đã thành tiền lệ rồi. Tết đến là a lê hấp, lên đường vẽ con giáp.          

Lê Đình Nguyên: Tôi đã điêu khắc dê hơn 15 năm nay, cùng với một con vật nữa mà tôi rất thích là con trâu (nhà điêu khắc này được anh em trong giới gọi là Nguyên “trâu” – pv). Không phải lúc Tết đến xuân về tôi mới làm dê mà làm quanh năm. Riêng năm nay, vì là năm Mùi, tôi làm 5 con dê để tham gia triển lãm. Đó là Dê Thóc (đực), Dê Gạo (cái), đôi Dê Áo Tơi và một con Dê Đàn (từ hình tượng cây đàn). Triển lãm mang tên “Mùi” diễn ra vào ngày 1/ 2 tới tại cà phê Sao La (đường Lạc Long Quân, Hà Nội).

Đặc biệt với năm Mùi, anh có “xây dựng hình tượng” con Dê không? Hoặc ít nhất là khi anh vẽ Dê cho năm Mùi, anh nhấn mạnh hay hướng tới điều gì?

Đỗ Phấn: Tôi chưa bao giờ có ý định nâng tranh con giáp lên tầm tác phẩm. Tuy nhiên, từ vô thức, vẽ tranh dê với tôi như có một thôi thúc đặc biệt. Tôi đã có hai triển lãm vẽ toàn dê vào dịp cuối năm 2002 và 2014 (vừa diễn ra ở 29 Hàng Bài, Hà Nội) để đón chào năm Mùi. Tranh dê của tôi vì thế mang khí thế sôi nổi, mạnh bạo và tươi trẻ đúng như những gì tôi mong muốn về một năm mới như thế.

Lương Xuân Đoàn: Với những tác phẩm dê đã vẽ, tôi chú ý đến sự duyên dáng, mượt mà, liền lạc của đường nét, nên tôi vẽ khá nhiều dê bằng bút sắt. Mượt mà nhưng khỏe khoắn.

Lê Trí Dũng: Năm Ất Mùi là năm con Dê Trắng (Sa Trung Kim). Bởi vậy ngoài việc dùng đen trắng là gam màu chủ đạo (Kim sinh Thủy mà Thủy là chủ màu đen, tôi cũng tìm ngôn ngữ Dê Ngũ hành cho phong phú, ngoài ra lại đưa thêm Nhị thập bát tú, Cửu diệu Tinh quân… vào, vì thế tranh Dê đượm màu sắc tâm linh và huyền bí. Với hướng tìm này, các bức Dê không bị giống nhau, lặp đi lặp lại gây nhàm chán.      

Lê Đình Nguyên: Gần đây, tôi làm điêu khắc thường lấy cảm hứng từ những vật gần gũi với con người. Vì những con vật mà tôi yêu thích đều gắn bó với con người, đặc biệt là nông dân. Chính vì vậy mới có tượng dê gắn với lúa, gạo, áo tơi…Trong số này tôi khá hứng thú với con Dê Áo Tơi cái, tôi tạo hình với thân dê gợi đến chiếc áo tơi, vú dê bằng những chiếc chuông có thể kêu được. Bộ sinh thực khí rất đẹp và gợi cảm…

Hình tượng dê thách thức nghệ sỹ ảnh 1 Lương Xuân Đoàn, Lê Đình Nguyên, Đỗ Phấn, Lê Trí Dũng (từ trái qua). Ảnh: Hồng Diệu - Hiền Lê.

Vẽ dê anh có tham khảo những cách mà tiền nhân đã làm. Nếu có thì đó là gì? Anh có thể nhận xét về cách tạo hình của đồng nghiệp?

Đỗ Phấn: Tôi rất muốn tham khảo cách làm của tiền nhân song rất tiếc, kho tàng ấy của chúng ta thật sự mỏng manh. Tranh con giáp chưa phải là đề tài những họa sĩ thành danh quan tâm cho lắm. Và vì thế, thành công của nó là chưa nhiều. Nhất là tranh con dê. Tuy đã có mặt từ vài trăm năm trong nghệ thuật tranh khắc dân gian nhưng nó gần như chưa định hình ra hẳn một phương pháp tạo hình như đối với con gà, con lợn, con trâu, con mèo v.v…Với tôi, nhiều khi không có những tham khảo ấy lại giúp cho ngòi bút sáng tạo của mình bay bổng hơn, vỡ vạc ra nhiều thứ hơn. Và tất nhiên, dễ vẽ hơn.

Lương Xuân Đoàn: Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ rất nhiều tranh con giáp qua từng năm. Tôi đặc biệt thích ông vẽ mẹ con con dê. Rất sung túc và trìu mến. Ông Nghiêm khai thác rất nhiều hình tượng dê khác như những con dê đực với những bộ râu rất ngộ nghĩnh rất mạnh mẽ. Nét vẽ của Nguyễn Tư Nghiêm đầy biến ảo. Khi thì mềm mại, hòa sắc lung linh. Khi lại mạnh mẽ với những đường kỷ hà, tạo hình theo mô tip hình ảnh trên trống đồng. Ông vẽ con giáp rất lưu tâm đến sự lưu chuyển của tiết khí, âm dương, đưa đến sự hài hòa trời đất và vạn vật.

Lê Trí Dũng: Tiền nhân ta để lại không nhiều tranh, nhất là tranh Dê. Nhưng qua hàng loạt tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Đôn Hoàng… ta dễ dàng nhận thấy tiền nhân luôn đưa cỏ cây, hoa lá tốt tươi, sắc màu thắm thiết vào tranh. Đây cũng là yếu tố tôi thích.

Lê Đình Nguyên: Trong một số đình làng cổ Bắc bộ có khá nhiều hình tượng con dê được chạm khắc. Tôi mê những con dê này vì những nét tạo hình ngây thơ nhưng cực đẹp. Đẹp vì tinh thần khoáng đạt, đẹp vì sức sống được gửi gắm vào hình tượng con dê. Còn những nhà điêu khắc hiện đại, tôi thực sự thất vọng vì đa phần họ đang chạy theo làm tượng đài, đục tượng Phật vì kiếm ăn được.

Hình tượng dê thách thức nghệ sỹ ảnh 2 Tác phẩm của Lê Đình Nguyên. Ảnh: Lê Thiết Cương.

Tranh dê của anh vẽ vào dịp tết đến xuân về, anh có gửi gắm điều gì tới người xem và đặc biệt là người mua tranh?


Đỗ Phấn: Cũng giống như các họa sĩ thường vẽ tranh con giáp vào dịp cuối năm, tôi muốn gửi đến người xem và các nhà sưu tập những chuyển biến mới trong nghệ thuật của mình. Những bảng hòa sắc mới, những cách tạo hình mới, những quan niệm mới vỡ vạc hoặc đã tương đối định hình. Nói đơn giản, nó như một tiền đề cho những sáng tác trong năm tới của tôi.

Lê Trí Dũng: Triển lãm Tranh Dê và các con Giáp khai mạc trong Hội Xuân Ất Mùi 2015 tại Khu Triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) từ 18 đến 25 Tết. Tôi muốn bức tranh như một lời chúc phúc sinh sôi tài lộc, thành đạt nảy nở đến muôn nhà khi Xuân gõ cửa!

Lê Đình Nguyên: Tôi nghĩ hình tượng dê gắn liền với tính phồn thực, sinh sôi. Con dê cũng rất bầy đàn, thân thiện. Hy vọng tinh thần này lan tỏa được đến người xem điêu khắc của tôi.

Xin cảm ơn các nghệ sỹ.

Nét vẽ dê của Nguyễn Tư Nghiêm đầy biến ảo. Khi thì mềm mại, hòa sắc lung linh. Khi lại mạnh mẽ với những đường kỷ hà, tạo hình theo mô tip hình ảnh trên trống đồng.

MỚI - NÓNG