Tuy nhiên, Hilton cho biết họ sẽ vẫn là công ty điều hành khách sạn này "trong 100 năm tới", bao gồm trách nhiệm tu sửa trong vài tháng nữa. Hilton dự kiến dùng khoản tiền từ việc bán khách sạn để đầu tư vào các bất động sản khác tại Mỹ. Cổ phiếu Hilton đã tăng 3% sau khi tin tức này được công bố.
"Đây là cơ hội có một không hai cho cả đôi bên, nhằm tối đa hóa giá trị của tòa nhà biểu tượng tại Manhattan đông đúc này", Christopher J. Nassetta – Chủ tịch kiêm CEO Hilton Worldwide cho biết trong một thông báo. Waldorf Astoria đã được nhà sáng lập Hilton - Conrad Hilton mua lại năm 1949, sau 18 năm hoạt động.
Khách sạn Waldorf Astoria ở thành phố New York. Ảnh: Bloomberg
1,95 tỷ USD là mức giá cao nhất cho một khách sạn tại Mỹ. Waldorf Astoria cũng là bất động sản có giá lớn nhất của Mỹ được bán cho người Trung Quốc, Kevin Mallory - Giám đốc bộ phận khách sạn tại hãng tư vấn CBRE cho biết.
Những năm gần đây, người Trung Quốc đã liên tục đổ tiền vào bất động sản Mỹ, nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư ra nước ngoài. Trước Waldorf, hãng Greenland Holding năm nay cũng mua 70% dự án Atlantic Yards ở Brooklyn.
Cuối năm ngoái, Fosun International của tỷ phú Guo Guangchang chi 725 triệu USD cho 1 Chase Manhattan Plaza - trụ sở cũ của Chase Manhattan Bank. Tháng 3 năm ngoái, một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc, dẫn đầu bởi Zhang Xin - CEO Công ty bất động sản SOHO China, cũng mua 40% tòa nhà của General Motors - GM Building tại New York (Mỹ) với giá 1,4 tỷ USD.
"Các hãng bảo hiểm và nhiều công ty khác đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa. Điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc. Của cải tại nước này đã tăng đột biến trong thập kỷ qua, và nhà đầu tư cũng tăng vung tiền ra khắp thế giới", Mallory cho biết. Một nguyên nhân khác là bất động sản trong nước hạ nhiệt, khiến người nước này tìm đến các thị trường được coi là an toàn, như New York, London hay Paris.
Theo Hà Thu