Hiệu trưởng Hà Nội đề xuất cho học sinh đến trường từ tháng 8: Nhiều ý kiến trái chiều

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc một số hiệu trưởng Hà Nội đề xuất cho học sinh đi học từ tháng 8 nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo nhiều giáo viên cho rằng, điều này khá hợp lý vì học sinh và giáo viên có thời gian đến trường sớm củng cố thêm kiến thức bị thiếu hụt, bồi đắp những kĩ năng. Tuy nhiên, nhiều giáo viên khác lại cho rằng, như vậy là không thỏa đáng.

Một số hiệu trưởng tại Hà Nội cho rằng, năm học 2021-2022 bị gián đoạn hoạt động dạy học trực tiếp, chất lượng bị ảnh hưởng do đó, năm học tới cần cho trường học mở cửa từ tháng 8 để các trường có thêm thời gian ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi bước vào năm học mới.

Bà Nguyễn Ngọc Minh, Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, với đề xuất của một số hiệu trưởng Hà Nội cho học sinh đi học từ tháng 8 là hợp lý.

Theo bà Minh, với tình trạng học trực tuyến kéo dài chưa từng có như năm học qua, năm học tới, Hà Nội nên cho học sinh tựu trường từ đầu tháng 8, sớm hơn khoảng 2-4 tuần so với các năm trước.

Bà Minh cho rằng, khi đó, nhà trường sẽ có 2-4 tuần cho học sinh ôn tập kiến thức cũ, chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Nhất là học sinh ở khối năm nay vừa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu để hổng kiến thức nền tảng sẽ rất khó khăn đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, bà Minh cho rằng, để đánh giá năng lực thật của học sinh luôn cần được thực hiện trực tiếp. Ở những tuần đầu tiên này không tính vào thời gian dạy trực tiếp văn hóa, mà thời điểm này giáo viên nên phổ biến lại và rèn cho học sinh những kĩ năng để sau khi đi học trực tiếp học sinh sẽ đỡ bỡ ngỡ và mất thời gian làm quen.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, đề xuất này cũng hợp lý, có thể thay đổi lịch khai giảng một cách linh hoạt hơn.

Thầy Lâm lí giải, đề xuất hợp lý ở chỗ 2 năm trước là những năm học đặc biệt, vì học online một thời gian dài. Dù đã có thời gian cũng cố sau khi đi học trực tiếp trở lại nhưng nên có thêm phần ôn tập trước khi học chính thức sau khai giảng.

“Vì thế, tôi ủng hộ các trường tựu trường sớm từ tháng 8. Việc tựu trường sớm để ổn định ôn tập kiến thức cũng như kĩ năng cho học sinh để chuẩn bị cho năm học mới”- Thầy Lâm nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo thầy Lâm, việc học sớm này dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh. Có như vậy mới là chủ trương đúng và trên tinh thần nhân văn.

"Nhà trường phải cam kết là sẽ không học trước chương trình. Còn học sinh nào nếu có đủ kiến thức cũng như kĩ năng mà không cần học sớm có thể không cần đến trường sớm. Bởi lẽ, quyền được nghỉ hè là quyền của học sinh. Sẽ có nhiều học sinh họ không cần bổ trợ và biết đâu đang học những kiến thức khác thì sao"- thầy Lâm nêu quan điểm.

Cô Nguyễn Thị Lương, giáo viên một trường tiểu học ở ngoại thành cho biết, việc mấy năm trước học online kéo dài gây ra nhiều hệ lụy. Nếu việc cứ sau 5/9 mới khai giảng và tiếp theo học chính thức sẽ gây khó với học sinh. Do đó, rất cần thiết phải có thời gian để giáo viên bồi dưỡng, cũng cố kiến thức cho học sinh trước khi chuyển lớp.

Mặt khác, theo cô Lương, Hà Nội đã quyết định cho học sinh nghỉ hè theo đúng kế hoạch, kết thúc năm học vào cuối tháng 5/2022 đủ để học sinh có đủ thời gian nghỉ ngơi, vui chơi.

“Năm học mới, theo tôi các trường nên cho trẻ tựu trường sớm một vài tuần, có thể từ đầu tháng 8. Việc học sớm thực sự đã được các trường tư áp dụng bao năm qua. Việc năm nay đề xuất với các trường công lập có thể sẽ cho học sinh tựu trường từ đầu tháng 8, khi đó thầy trò có 2-4 tuần để vừa ôn tập kiến thức, tổ chức các hoạt động trải nghiệm đảm bảo kiến thức, kỹ năng cũng như cho học sinh có thêm thời gian ổn định nề nếp, củng cố kiến thức trước khi vào năm học mới”- cô Lương chia sẻ.

Tuy nhiên theo nhiều giáo viên, việc một số hiệu trưởng Hà Nội đề xuất cho học sinh đi học từ tháng 8 không thỏa đáng, không hợp lý.

Theo một giáo viên,trong giai đoạn dịch COVID-19 phức tạp vừa qua, cả thầy và trò đã vừa gồng mình chống dịch vừa dạy học trực tuyến lẫn trực tuyến rất mệt mỏi. Việc kết thúc năm học không bị muộn như năm ngoái nên giờ đây cần thời gian nghỉ hè để ổn định tâm lý, tinh thần và chuẩn bị bước vào năm học mới.

Một vị chuyên gia tâm lý cho rằng, do dịch bệnh nên nhiều địa phương đã kéo dài thời gian học, có nơi đến giữa tháng 6 thậm chí cuối tháng 6 mới được nghỉ hè. Nếu học từ tháng 8 có thể khiến “lợi bất cập hại”, học sinh sẽ tiếp tục mất đi khoảng thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe, tâm lý.

Thậm chí, theo vị chuyên gia này, thời gian hè năm nay là năm học sinh không nên vùi đầu vào học sớm, sẽ cần thời gian để học các kĩ năng khác, lấy lại sự cân bằng trong việc học tập cũng như tâm lý mà dịch COVID-19 để lại khá nặng nề.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.