Trong nhiều tháng qua, WHO và Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy một “hiệp ước đại dịch”. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa nhắc lại ý tưởng đó.
“Những hỗn loạn đang diễn ra trong đại dịch lần này cho thấy thế giới cần một thoả thuận toàn cầu để đề ra quy tắc cho việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch”, ông Tedros phát biểu ngày 27/11.
“Thế giới đã có hiệp ước để quản lý những mối đe doạ khác. Chắc chắn các nước có thể đồng ý về sự cần thiết phải có một hiệp ước mang tính ràng buộc về mối đe dọa từ đại dịch”, ông nói.
Nhưng vẫn chưa chắc chắn các quốc gia có đồng ý với ý tưởng này trong cuộc họp kéo dài 3 ngày hay không.
Cuộc họp theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Geneva diễn ra gần 2 năm từ khi COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc. Số ca mắc mới vẫn tăng, tiếp cận vắc xin đang trong tình trạng bất bình đẳng, các biến chủng mới tiếp tục xuất hiện và vẫn chưa biết căn bệnh này lây sang con người bằng con đường nào.
Đánh giá của các chuyên gia trong thời gian qua cho rằng hệ thống y tế quốc tế còn nhiều lỗ hổng. Theo quy định được sửa đổi lần gần đây nhất vào năm 2005, không có cách nào để bảo đảm tiếp cận vắc xin bình đẳng hay buộc các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc chuẩn bị, báo cáo và ứng phó với tình huống khẩn cấp y tế công cộng.
Ayelet Berman, chuyên gia về y tế toàn cầu tại ĐHQG Singapore, cho rằng hiện còn nhiều lỗ hổng trong quy định quốc tế.
“Những lỗ hổng đó bao gồm ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ động vật sang người, một hệ thống cảnh báo toàn cầu về dịch bệnh bùng phát, quy tắc về an ninh sinh học... và cũng thiếu quy tắc về tiếp cận bình đẳng và công bằng các loại thuốc và vắc xin”, bà Berman nói.
“Việc thiếu công cụ bảo đảm sự tuân thủ, giám sát và thực thi cũng cần giải quyết”, bà nói thêm.
Một “hiệp ước đại dịch” có thể đề ra quy tắc đối với nhiều vấn đề như vậy, có thể nêu ra những hậu quả mà các quốc gia đã ký mà không tuân thủ.
Ý tưởng này được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nêu ra từ 1 năm trước, nhưng không nhận được sự ủng hộ của các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga. Các chuyên gia cho rằng những quốc gia này có thể không muốn ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào nhằm gia tăng quyền lực cho WHO.
Những lựa chọn khác bao gồm sửa đổi quy định y tế toàn cầu hiện có, hoặc đề ra hướng dẫn không ràng buộc pháp lý. Những ý tưởng này cũng đang được bàn tới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này “cởi mở với bất kỳ nỗ lực và biện pháp nào nhằm tăng cường đoàn kết toàn cầu và phối hợp đối phó với các đại dịch trong tương lai”.
Zha Daojiong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, cho rằng sẽ dễ dàng cho Trung Quốc khi đồng ý với những mục tiêu rộng lớn và coi y tế toàn cầu là một phần của sự phát triển, giống như biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia cho rằng một thách thức đặt ra có thể là cân bằng trách nhiệm trong giám sát và báo cáo mầm bệnh mới với bảo đảm tiếp cận công bằng các loại vắc xin và thuốc.