Việc phát hiện biến chủng mới đang làm dấy lên mối quan ngại toàn cầu, dẫn đến một làn sóng hạn chế đi lại và bán tháo trên thị trường tài chính, khi giới đầu tư lo ngại Omicron có thể ngăn chặn đà phục hồi toàn cầu sau khi đại dịch kéo dài gần 2 năm.
Israel cho biết sẽ cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh và áp dụng lại công nghệ theo dõi điện thoại vốn chỉ được dùng để chống khủng bố nhằm hạn chế biến chủng mới lây lan.
Hai ca bệnh liên quan đến Omicron được phát hiện ở Anh đều liên quan đến vùng nam châu Phi, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết.
Thủ tướng Johnson đã đưa ra nhiều biện pháp như quy định chặt chẽ hơn về xét nghiệm đối với những người nhập cảnh, nhưng không hạn chế quá nhiều hoạt động xã hội ngoài việc yêu cầu đeo khẩu trang ở một số nơi.
Những người tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với Omircon đều phải cách ly 10 ngày. Chính phủ Anh cho biết hiệu quả của những biện pháp này sẽ được đánh giá sau 3 tuần nữa.
Quan chức phụ trách y tế bang Bavaria của Đức thông báo phát hiện 2 ca bệnh liên quan đến biến chủng mới. Đó là 2 người nhập cảnh vào Đức tại sân bay Munich hôm 24/11 và nay đang phải cách ly.
Tại Ý, Viện Y tế quốc gia cho biết một người nhiễm Omicron được phát hiện ở Milan. Đó là một người đến từ Mozambique.
Giới chức y tế Séc cho biết họ đang kiểm tra một trường hợp đến từ Namibia nghi ngờ nhiễm biến chủng mới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa Omicron vào nhóm “biến chủng gây quan ngại” vì khả năng biến chủng này có độc lực cao hơn nhiều biến chủng phát hiện trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa biết nó sẽ gây tình trạng bệnh nặng hơn hay nhẹ hơn so với những biến chủng khác.
Cố vấn y tế trưởng của Chính phủ Anh Chris Witty cho biết còn quá nhiều thứ chưa chắc chắn về Omicron, nhưng “khả năng biến chủng này có thể tránh tác dụng của vắc xin ở mức độ nào đó”.
Biến chủng này xuất hiện lần đầu ở Nam Phi và sau đó đã được phát hiện ở Bỉ, Botswana, Israel và Hồng Kông (Trung Quốc).
Dù các nhà dịch tễ học cho rằng hạn chế đi lại có thể đã quá muộn để ngăn Omicron lây lan toàn cầu, nhưng nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Brazil, Canada và châu Âu đều đã áp dụng biện pháp hạn chế đi lại với miền nam châu Phi.
Sự xuất hiện của biến chủng mới một lần nữa phơi bày tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận vắc xin trong dân số thế giới. Khi nhiều nước phương Tây đã triển khai tiêm mũi thứ ba, chưa đầy 7% dân số của các nước thu nhập thấp mới được tiêm được mũi đầu tiên.
“Dù vẫn phải biết thêm nhiều điều về Omicron, chúng ta biết rằng chừng nào phần lớn dân số thế giới chưa được tiêm phòng thì nhiều biến chủng khác sẽ tiếp tục xuất hiện, và đại dịch sẽ tiếp tục kéo dài”, Seth Berkley, CEO của Liên minh vắc xin toàn cầu GAVI, nói với Reuters.