Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 26/11, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla nhấn mạnh nước này đang hành động một cách minh bạch và đã thông báo rộng rãi ngay sau khi phát hiện biến thể mới đáng lo ngại. Vì vậy, việc các quốc gia “dựng hàng rào” đi lại với Nam Phi đã vi phạm tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trước đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada cùng nhiều quốc gia châu Á khác tuyên bố tạm thời cấm chuyến bay từ các quốc gia khu vực phía Nam châu Phi (gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique, Malawi...) để đề phòng sự lây lan của biến thể mới có tên Omicron.
Biến thể Omicron (B.1.1.529) được phát hiện lần đầu tiên ở Botswana, và đã xuất hiện ở Nam Phi, Israel, Bỉ, Hồng Kông (Trung Quốc). WHO vừa xếp Omicron vào nhóm Biến thể đáng quan ngại (VOC) cùng với biến thể Delta.
Chiều 26/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã có cuộc thảo luận về cách thức mở lại các tuyến giao thông quốc tế.
“Mối quan tâm trước mắt của chúng tôi là việc quyết định này (lệnh hạn chế đi lại với những người đến từ khu vực Nam Phi - PV) có thể gây ra thiệt hại cho ngành du lịch và doanh nghiệp của cả hai nước”, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết trong một tuyên bố.
Trong bối cảnh hàng loạt quốc gia áp quy định cấm các chuyến bay đến từ châu Phi, cổ phiếu ngành khách sạn của Nam Phi đã giảm mạnh do các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại.
Một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu Nam Phi - Salim Abdool Karim cho biết việc đóng cửa biên giới không thực sự có tác dụng, vì biến thể Delta từng lây sang 53 quốc gia chỉ trong vòng 3 tuần sau khi được phát hiện.
“Chúng ta phải cùng nhau tìm ra giải pháp cho biến thể này. Và quan trọng là không phản ứng thái quá”, Karim nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters.
Nhiều nhà khoa học khác cũng tỏ ra thất vọng khi các quốc gia dựng hàng rào đi lại với châu Phi thay vì tập trung hỗ trợ đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng ở khu vực này.
Ở Nam Phi, khoảng 35% dân số trưởng thành đã được tiêm đủ liều vắc xin, cao hơn so với hầu hết các quốc gia châu Phi khác, nhưng chỉ bằng một nửa mục tiêu mà chính phủ nước này đặt ra đến cuối năm.
Trong khi hầu hết các quốc gia châu Phi đều đang gặp khó khăn về nguồn cung vắc xin, thì một số quốc gia khác, bao gồm Nam Phi, đang dư thừa vắc xin vì nhiều người còn chần chừ, thờ ơ với việc tiêm chủng.
Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Phi vì COVID-19. Tính từ đầu đại dịch đến nay, tổng số ca bệnh ở Nam Phi đã lên đến gần 3 triệu ca, và số ca tử vong là hơn 89.000 ca.
Ngày 25/11, Nam Phi ghi nhận 2.465 ca mắc COVID-19 mới, gần gấp đôi con số của ngày trước đó. Hôm 26/11, con số này tăng nhẹ lên hơn 2.828 ca.