Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu ở miền Nam châu Phi từ mẫu xét nghiệm thu thập ngày 9/11, và được báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 24/11.
Trong những tuần gần đây, số ca bệnh ở Nam Phi tăng mạnh, trùng với thời điểm phát hiện biến thể Omicron. Chỉ trong hai tuần, ca mắc mới COVID-19 ở Nam Phi tăng từ 200 - 300 ca/ngày lên 3.220 ca vào ngày 27/11.
Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia y tế lo ngại hơn cả là sự gia tăng số ca mắc COVID-19 là người trẻ tuổi. Rudo Mathivha, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Baragwanath (Soweto, Nam Phi) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về nhóm đối tượng mắc COVID-19. Nhiều người trẻ ở độ tuổi từ 20 đến ngoài 30 đang mắc bệnh từ trung bình đến nặng. Một số cần được chăm sóc đặc biệt. Khoảng 65% trong số đó chưa tiêm chủng và hầu hết số còn lại mới chỉ tiêm một liều. Tôi lo lắng rằng khi con số tăng lên, các cơ sở chăm sóc sức khỏe công cộng sẽ trở nên quá tải".
Đề cập đến biến thể mới Omicron, bà Mathivha nhận định: “Trường hợp xấu nhất là biến thể này áp đảo chúng tôi như Delta. Chúng tôi cần chuẩn bị sẵn giường chăm sóc đặc biệt.”
Cách đây không lâu, cụm dịch liên quan đến một số sinh viên ở Pretoria (thủ đô hành chính của Nam Phi) đã nhanh chóng tăng lên vài trăm, vài nghìn ca, và lan đến thành phố Johannesburg gần đó.
Khi tìm hiểu nguyên nhân khiến số ca bệnh tăng sốc, các chuyên gia y tế Nam Phi phát hiện ra biến thể mới Omicron, và xác định biến thể này có thể đã chiếm tới 90% số ca mắc mới. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể này có hệ số lây nhiễm cơ bản (chỉ số R) bằng 2, nghĩa là một F0 có thể lây bệnh cho 2 F1.
Một quầy bán đồ ăn vặt trên phố ở Pretoria. Ảnh chụp ngày 27/11, vài ngày sau khi WHO xếp Omicron vào nhóm Biến thể đáng quan ngại. Nhưng ở "điểm nóng" Nam Phi, nhiều người vẫn không đeo khẩu trang. Ảnh: AP |
Các sinh viên Pretoria chơi bóng đá. Ảnh: AP |
Ảnh: AP |
Theo WHO, biến thể Omicron có một số lượng lớn các đột biến có thể làm cho nó dễ lây truyền hơn và tránh được các phản ứng miễn dịch.
“Tất cả chúng tôi đều vô cùng quan ngại về virus này”, Giáo sư Willem Hanekom, Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi, nói với AP.
“Những ca nhiễm biến thể Omicron hiện mới chỉ tập trung ở tỉnh Gauteng, khu vực Johannesburg. Nhưng chúng tôi có một số manh mối cho thấy nó đã có mặt ở khắp Nam Phi”, Giáo sư Hanekom cho biết. “Chúng tôi cần nghiên cứu về biến thể này càng nhanh càng tốt. Chúng tôi chưa biết Omicron có độc lực như thế nào, có gây ra bệnh nặng hay không.”
Ngoài việc tìm ra đặc tính của biến thể mới, các chuyên gia y tế cho rằng việc đẩy mạnh tiêm chủng cũng vô cùng quan trọng. Vì Omicron dường như lây lan nhanh nhất ở những người chưa được tiêm chủng. Hiện tại, mới chỉ có khoảng 40% người Nam Phi trưởng thành đã tiêm chủng, và con số này thấp hơn nhiều ở nhóm từ 20 đến 40 tuổi.
Nam Phi có gần 20 triệu liều vắc xin - do Pfizer và Johnson&Johnson sản xuất - nhưng số người tiêm vắc xin chỉ đạt khoảng 120.000 người mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ là 300.000 người mỗi ngày.
“Khi các nhà khoa học cố gắng tìm hiểu thêm về Omicron, thì người dân Nam Phi có thể nhanh chóng đi tiêm. Vắc xin sẽ giúp bảo vệ các bạn khỏi việc nhiễm bệnh, hoặc ít nhất là tránh được nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong”, Giáo sư Hanekom nói.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada cùng nhiều quốc gia khác tuyên bố tạm thời cấm chuyến bay từ các quốc gia khu vực phía Nam châu Phi (gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique, Malawi...) để đề phòng sự lây lan của biến thể mới có tên Omicron.
Quyết định này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Nam Phi. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla nhấn mạnh nước này đang hành động một cách minh bạch và đã thông báo rộng rãi ngay sau khi phát hiện biến thể mới đáng lo ngại. Vì vậy, việc các quốc gia “dựng hàng rào” đi lại với Nam Phi đã vi phạm tiêu chuẩn của WHO.