Hiến kế ‘phá băng’ du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất giải pháp phục hồi du lịch
Đề xuất giải pháp phục hồi du lịch
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ có định hướng triển khai kịch bản khởi động lại du lịch theo tinh thần linh hoạt, thích ứng với điều kiện mới.

Du lịch “chạm đáy”

Tọa đàm trực tuyến “Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện mới” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 14/10 quy tụ các nhà quản lý, lãnh đạo một số địa phương và đại diện doanh nghiệp du lịch. Các đại biểu nhìn lại bức tranh du lịch trong phiên “Du lịch đã chạm đáy”, đồng thời “Đề xuất và Hiến kế giải pháp” để “phá băng” du lịch.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai mong mỏi sớm có thể mở cửa du lịch trở lại. Dịch bệnh đánh mạnh vào doanh thu du lịch của tỉnh này: So với năm 2019 đón 5,5 triệu lượt khách, thu hơn 20 nghìn tỷ đồng thì năm nay dự tính tỉnh chỉ thu 3,8 nghìn tỷ đồng.

Sự sụt giảm của toàn ngành du lịch còn khó khăn hơn nhiều lần. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, công suất buồng phòng 6 tháng đầu năm 2021 tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt dưới 10%. Từ đầu năm 2021, tỷ lệ cơ sở lưu trú hoạt động chỉ chiếm 25% so với 2020, số lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng. “Bức tranh tổng thể cho thấy du lịch giảm sâu, và toàn ngành đang mong dịch bệnh sớm được kiểm soát trong trạng thái bình thường mới”, ông Siêu nói.

Hiến kế ‘phá băng’ du lịch ảnh 1

Các nhà quản lý, doanh nghiệp đề xuất giải pháp phục hồi du lịch

Liên quan chặt chẽ tới du lịch là vận tải, hàng không. Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông của Vietnam Airlines không muốn nhắc lại khó khăn, nhưng vẫn phải nêu thực tế: trong 60 năm ngành hàng không dân dụng Việt Nam, giai đoạn qua là những ngày “lịch sử”. Có những ngày không có một chuyến bay nào trên bầu trời, nhiều ngày chỉ chở nửa chuyến bay Hà Nội -TP HCM.

Hiến kế

Nghị quyết 128 của Chính phủ tạo điều kiện cho các địa phương phục hồi kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận định, nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng thì không thể thực hiện mở cửa, phát triển du lịch được.

“Bình Định thời gian qua đã xúc tiến nhiều hoạt động mở cửa, khôi phục kinh tế và du lịch. Nhưng hiện Bình Định mới kết nối được đường bay với TP. HCM, còn Hà Nội, Hải Phòng thì chưa vì lí do tiêu chuẩn của các địa phương này. Muốn đạt được hiệu quả, vấn đề quan trọng là khách. Nếu khách còn e ngại thì địa phương mở cửa cũng không thu hút được”.

Quảng Bình là một trong những địa phương sớm bắt nhịp đưa du lịch trở lại. Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh thí điểm du lịch trọn gói, cho phép cty Oxalis trong 2 tháng tổ chức tua trọn gói "1 cung đường - 2 điểm đến" từ các địa phương khác tới Quảng Bình. “Hết đợt mưa bão này, công ty sẽ có tua ngay, hiện nay đã bắt đầu bán tua đón khách. Từ những đốm lửa này, hy vọng du lịch sẽ có tín hiệu khả quan trong thời gian tới”, ông Phong nói.

Hiến kế ‘phá băng’ du lịch ảnh 2

TPHCM tiên phong thí điểm mô hình du lịch xanh tại Cần Giờ

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy thông báo, Quảng Ninh đã triển khai du lịch nội tỉnh đầu tháng 10, tháng 11 đón khách ngoại tỉnh. “Nếu ổn chúng tôi sẽ khai thác khách du lịch đến vịnh Hạ Long, Yên Tử với tính chất riêng tư, độc lập. Chúng tôi đề xuất để làm tốt quản trị, không để xảy ra tình trạng nay mở, mai đóng”, ông Thủy nói.

Vingroup chuẩn bị đón khách theo quy định của Chính phủ: 100% nhân viên được tiêm 2 mũi, tham gia khóa đào tạo gồm phương án bảo hộ an toàn, đúng chuẩn. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, Vingroup sẽ liên tục nâng cao trải nghiệm của du khách, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo; chuẩn bị nhiều sản phẩm mới để đón khách du lịch, như tàu ngầm vô cực trong suốt 360 độ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp biển cùng nhiều dịch vụ vui chơi giải trí khác.

Với thế mạnh các khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế, bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc khối Sun Hospitality Group (Sungroup) sẵn sàng cho lộ trình thí điểm đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vắc xin. Sungroup đã chuẩn bị sẵn sàng với những đối tác hàng đầu thế giới. Với tâm thế thí điểm có hiệu quả tại Phú Quốc, doanh nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương khác để đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" khi đủ điều kiện.

Ông Vũ Hồng Quang, Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định hàng không chuẩn bị kỹ lưỡng mở cửa trở lại với tinh thần "hoạt động du lịch bền vững, duy trì phát triển dần chứ không phải mở ra rồi đóng lại". "Ngành đã có sự chuẩn bị cả năm nay, cụ thể là triển khai tiêu chí hàng không xanh. Tất cả các chuyến bay đi, đến đều có quy định cụ thể về tổ bay, tàu bay trước trong và sau chuyến bay với tiêu chí “xanh”. Kể từ khi khách khi bước vào cảng đã được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh, cho tới khi rời khỏi cảng. Với sự kiểm soát chặt chẽ, kể cả sự ra vào của taxi, chúng tôi sẵn sàng cho các chuyến bay”, ông Quang nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nêu bốn định hướng của ngành du lịch trong thời gian tới. Sau khi lắng nghe các ý kiến từ địa phương, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch tại tọa đàm trực tuyến, ông Hùng nêu: Bộ có định hướng đốc thúc triển khai du lịch linh hoạt, thích ứng, tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản khởi động lại du lịch.

Định hướng đầu tiên là ưu tiên du lịch nội địa, xem đó là cơ sở phục hồi và phát triển du lịch. Bộ cùng địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình mới, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là thích ứng an toàn và chuyển biến linh hoạt. Theo đó, du lịch cần theo hướng xanh, an toàn với các tua trọn gói tại các địa bàn đang là vùng xanh.

Bộ VHTTDL đồng hành với doanh nghiệp, đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng; xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy. Bộ cũng chủ trương số hóa, ứng dụng công nghệ bởi đó là hướng đi trong tương lai.

MỚI - NÓNG