Nghệ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021: Thêm nhiều sân chơi văn hóa thiết thực
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà |
Tôi nhận thấy, không hẳn là khán giả trẻ ngày nay không có tình cảm với âm nhạc truyền thống mà đôi khi vì họ chưa biết đến. Qua một số sản phẩm âm nhạc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của mình (Xẩm Hà Nội, Xẩm xuân chúc phúc, Đập nàng khọt…), tôi nhận thấy nhiều khán giả trẻ đã dành tình cảm rất đặc biệt với các loại hình âm nhạc dân gian. Những điều mang tính dân tộc luôn khiến chúng ta tự hào và có cảm xúc chân thực nhất.
Tôi mong rằng, tổ chức Đoàn sẽ quan tâm tổ chức nhiều hơn các sân chơi sôi nổi, thiết thực về văn hóa dành cho thế hệ trẻ. Đoàn Thanh niên tổ chức thêm các cuộc liên hoan, cuộc thi, giao lưu kết nối giữa các đoàn viên, thanh niên để chia sẻ về những nét văn hóa của dân tộc, từ âm nhạc, hội họa, phục trang đến ẩm thực Việt... Bên cạnh đó, cần có hình thức bồi dưỡng, tuyên dương những cá nhân có thành tích đóng góp cho văn hóa truyền thống để tạo động lực cho bạn trẻ góp sức, chung tay bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.
Trường học là cầu nối chính, thiết thực nhất để kết nối giữa thế hệ trẻ với văn hóa dân tộc. Tôi mong muốn có thêm nhiều hoạt động mang tính văn hóa được tổ chức ở các trường học, giúp bạn trẻ có cơ hội trực tiếp tiếp cận với văn hóa dân tộc.
Anh Triệu Trí Lộc, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái: Hòa nhập nhưng không hòa tan...
Anh Triệu Trí Lộc |
Tại tỉnh Yên Bái, mô hình “Giờ ra chơi với các làn điệu dân tộc, điệu nhảy tập thể trong trường học trên tỉnh” được các cấp bộ Đoàn, Đội triển khai hiệu quả, đã khơi dậy niềm tự hào và nâng cao nhận thức về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong các đoàn viên, thanh niên và học sinh. Mỗi giờ ra chơi, các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh lại có những màn trình diễn ấn tượng của học sinh với đủ điệu nhảy, múa đặc trưng của các dân tộc ở vùng cao Tây Bắc như: biểu diễn 6 điệu xòe Thái cổ, múa khèn Mông, nhảy dân vũ…
Từ câu chuyện của Yên Bái, tôi mong muốn Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII sẽ đề ra nhiều giải pháp thiết thực để thanh niên góp phần vào bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thời kỳ đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay, văn hóa truyền thống đang đối mặt với những tác động vô cùng mạnh mẽ, có nguy cơ mai một văn hóa dân tộc, xuống cấp đạo đức và các giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại.
Tổ chức Đoàn không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải có các phong trào cụ thể, thiết thực cùng các cấp chính quyền vào cuộc để thế hệ trẻ Việt Nam “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019: Phát triển các sản phẩm văn hóa số
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm |
Một điều khiến tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào là các buổi diễn của tôi đều có rất đông khán giả trẻ tuổi đến xem. Có bạn đã thốt lên với tôi “hóa ra cải lương không sến sẩm như mình nghĩ mà nó thật ý nghĩa, thấm sâu tinh hoa hồn cốt dân tộc”. Nhiều bạn trẻ đã tìm đến cải lương như muốn tìm về nguồn cội dân tộc, bởi thông qua những vở diễn giúp bạn trẻ hiểu thêm về lịch sử dân tộc, đặc biệt là các nhân vật lịch sử nổi tiếng.
Thực tế đó cho thấy, bạn trẻ không hề “quay lưng” với văn hóa dân tộc. Điều quan trọng là chúng ta có cách tiếp cận, đổi mới ra sao để họ hiểu, thấm sâu và hào hứng tìm đến trải nghiệm, sống trong không gian văn hóa đó. Trong kỷ nguyên số hiện nay, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc càng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực đổi mới của bản thân mỗi nghệ sĩ và các tổ chức, đơn vị, trong đó có Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hóa số mang hơi thở thời đại, giúp đưa văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ; các nghệ sĩ trẻ và tổ chức Đoàn cần quan tâm triển khai trong thời gian tới.
Tôi đang ấp ủ dự án “Một ngày trải nghiệm làm nghệ sĩ”, nhằm giúp các bạn trẻ yêu thích các môn nghệ thuật truyền thống được biểu diễn hóa thân vào các nhân vật. Tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức Đoàn các cấp để hiện thực hóa dự án này.
Mọi ý kiến, hiến kế của độc giả về Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 gửi về địa chỉ: email: tienphongbtk@gmail.com.