Hiến kế “cứu” tiếng Việt

Hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ. Ảnh: Nguyễn Thảo.
Hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ. Ảnh: Nguyễn Thảo.
TP - “Trong những năm gần đây, việc dùng từ ngữ cẩu thả, rút tít thiếu cân nhắc, sai thực tế, sử dụng tiếng nước ngoài khá tùy tiện... đã tác động tiêu cực đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ…”- PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, UV T.Ư Đảng, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” diễn ra vào ngày hôm qua tại Hà Nội.

Tiếng Việt đang “vẩn đục”

Hội thảo do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (1966- 2016). Lãnh đạo VOV cũng khẳng định hội thảo khoa học lần này được coi là hội nghị toàn quốc lần thứ 3, sau hai hội nghị về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” tổ chức năm 1966 và 1979, đồng thời tập trung nhiều hơn cho việc sử dụng tiếng Việt ở lĩnh vực thông tin đại chúng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thực tế hiện nay ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong một số tài liệu, báo cáo, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt. Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều. Đáng báo động là không có nhiều, không có đủ sự phân tích, nhắc nhở, phê phán những biểu hiện đó.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng các nhà báo cần phải thấm thía vai trò và trách nhiệm trong việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt vì mỗi một phát ngôn, mỗi câu văn của nhà báo có tính định hướng, lan tỏa sâu rộng trong xã hội và rất nhanh trên cộng đồng mạng".

Tham dự hội thảo có rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhà quản lý, lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí. Hơn 230 tham luận được gửi tới hội thảo đã đánh giá, nhìn nhận, nêu quan điểm về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay.

Trong khuôn khổ hội thảo có 3 phòng thảo luận nhóm về: Những vấn đề chung trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Tiếng Việt trên sóng phát thanh, truyền hình; Tiếng Việt trên báo Việt (báo giấy, báo điện tử). Những vấn đề bất cập, lệch lạc, yếu kém của việc dùng tiếng Việt trên truyền thông đã được đưa ra như: Cách viết, cách nói, cách truyền đạt chưa thật đúng, chưa thật chuẩn (cách dùng từ, đặt câu, cách sử dụng các nghi thức lời nói, cách thể hiện văn bản và thể hiện thông điệp truyền thông bằng văn bản và tiếng nói, vấn đề phương ngữ trên truyền thông đại chúng, chính tả và chuẩn chính tả, việc xử lý tên nước ngoài trên báo chí và đặc biệt trên sóng phát thanh, truyền hình; Cách sử dụng ngôn ngữ trong việc đặt tít, rút tít, trình bày ma-két, thiết kế và giao diện báo điện tử…; Việc giữ gìn bản sắc tiếng Việt qua truyền thông trong bối cảnh toàn cầu hóa với trào lưu tiếng Anh đang thâm nhập mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực…

Hiến kế “cứu” tiếng Việt ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đi đôi với phát triển, làm mới.

Cần xây dựng bộ Luật ngôn ngữ Tiếng Việt

Cũng tại hội thảo, nhiều kiến nghị đã được đưa ra để tìm giải pháp hiệu quả nhất nhằm “gạn đục khơi trong” lại tiếng Việt. Phần đông ý kiến cho rằng rất cần xây dựng một bộ Luật ngôn ngữ tiếng Việt để quản lý và có cơ sở xử phạt các trường hợp nói sai, viết sai.

“Thế giới có hơn một nghìn bộ luật ngôn ngữ, thậm chí có những quốc gia ban hành nhiều luật ngôn ngữ để quản lý. Việt Nam nghìn năm văn hiến thì chưa có gì. Ở ta hiện nay, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn văn hóa dân tộc là đòi hỏi quốc dân. Định hướng phát triển cũng như tác động ngoại lai đã rõ, vấn đề là thể hiện thành văn bản pháp quy”- Nhà báo Phan Quang, nguyên TGĐ VOV nhấn mạnh. 

Ông cũng cho rằng cần rà soát việc dùng tiếng Việt trong các văn bản lập pháp, hành pháp của các cơ quan công quyền, dịch vụ, xã hội… xem đã chuẩn mực hay chưa, bởi những khiếm khuyết về ngôn từ, cấu trúc câu văn một khi đã được lưu hành qua các văn bản công quyền thì rồi sẽ sớm phổ cập trong dân gian, thậm chí số đông sẽ nghĩ rằng phải viết theo cách ấy mới đúng ngôn ngữ chính thống.

Đồng ý với quan điểm trên, nhà báo Hồ Quang Lợi (Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) cũng cho rằng cần phải có các bộ quy chuẩn, chuẩn mực ngôn ngữ dành riêng cho báo chí. “Tôi đề nghị sẽ không trao giải báo chí quốc gia hoặc các giải báo chí của ngành cho các tác phẩm không đạt chuẩn ngôn ngữ tiếng Việt, dù cho nội dung có hay thế nào. Các cơ quan báo chí cần phải đi đầu làm gương và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngôn ngữ, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngôn ngữ cho phóng viên”- đại diện Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

“Rất cần luật nhưng luật thì cứ đà này không biết bao giờ mới có. Nên chúng ta cứ chuẩn hóa tiếng Việt từng bước, trước hết là ở các cơ quan báo chí, truyền thông rồi các trường học, cơ quan đoàn thể… Việc chuẩn hóa không nên đóng khung mà phải chuẩn hóa từng giai đoạn, phù hợp với tình hình đất nước”- GS.TS Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam) đóng góp quan điểm.

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam) còn kiến nghị nên có “Ngày Ngôn ngữ Việt Nam” để tôn vinh tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc anh em trên cả nước.

Các chuyên gia cũng phân tích rằng trong quá trình phát triển, việc tiếp thu thành tựu của văn minh nhân loại hay việc mượn tiếng nước ngoài để làm cho tiếng Việt đầy đủ hơn là yêu cầu khách quan, tuy nhiên, sự tiếp thu phải có chọn lọc và không đánh mất bản sắc. 

Nhà báo Phan Quang, nguyên TGĐ VOV:

Thế giới có hơn một nghìn bộ luật ngôn ngữ, thậm chí có những quốc gia ban hành nhiều luật ngôn ngữ để quản lý. Việt Nam nghìn năm văn hiến thì chưa có gì. Định hướng phát triển cũng như tác động ngoại lai đã rõ, vấn đề là thể hiện thành văn bản pháp quy.

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam):

Nên có “Ngày Ngôn ngữ Việt Nam” để tôn vinh tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc anh em trên cả nước.

MỚI - NÓNG