Hiện đại hóa trường học Thủ đô: Đích đến nhọc nhằn

Do quỹ đất chật hẹp, giấc mơ “hiện đại hóa” là quá xa xỉ với nhiều trường học ở nội thành Hà Nội. Ảnh: Quý Hiên.
Do quỹ đất chật hẹp, giấc mơ “hiện đại hóa” là quá xa xỉ với nhiều trường học ở nội thành Hà Nội. Ảnh: Quý Hiên.
TPO - Với các quận “lõi” thì quỹ đất quá eo hẹp là rào cản cơ bản trong công cuộc hiện đại hóa hệ thống trường học của Thủ đô. Còn với nhiều huyện ngoại thành, ngân sách eo hẹp sẽ khiến nhiều trường đối mặt với nguy cơ mất “chuẩn quốc gia”.

Đạt chuẩn rồi vẫn có khả năng mất

Từ tháng 4/2012, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết thông qua quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non - phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp với quyết tâm hiện đại hóa hệ thống mạng lưới trường lớp của Thủ đô.

Theo đó, đến hết năm 2015 toàn thành phố phải có khoảng 50 - 55% số trường đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện nghị quyết này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã lên một kế hoạch hành động cụ thể, phân bổ chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia cho từng quận huyện theo từng năm.

Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, 2014 là năm thứ 3 liên tiếp toàn thành phố đã hoàn thành ở mức vượt chỉ tiêu kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia. Năm 2015 được xem là năm “về đích”, với mục tiêu là công nhận mới 100 trường.

50-55% số trường đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm nay là chỉ tiêu có tính pháp lệnh, bắt buộc ngành GD&ĐT Hà Nội phải thực hiện. Nơi nào khó khăn chúng tôi sẽ đến làm việc trực tiếp để tìm cách tháo gỡ. 

Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga

Tuy nhiên, chỉ số tỉ lệ 50 - 55% trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội có nguy cơ không đạt được khá cao, hiện nay có đến 150 trường tuy được công nhận chuẩn quốc gia từ năm 2008 trở về trước nhưng theo rà soát của các quận/ huyện/ thị xã thì đến nay có tiêu chí chưa đạt chuẩn. Những trường này nếu không kịp thời bổ sung các tiêu chí chưa đạt để được kiểm tra thẩm định và công nhận ngay trong năm 2015 thì sẽ bị mất chuẩn.

Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - Sở GD&ĐT Hà Nội thì các thông tin về việc công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia  năm 2014 không “sáng sủa” bằng việc công nhận mới. Cả thành phố chỉ có 4 đơn vị đạt chỉ tiêu đề ra, gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàn Kiếm. Còn lại đều không đạt, thậm chí có tới 8 đơn vị đạt dưới 50%. Khá nhiều huyện có hàng chục trường đã được công nhận từ năm 2008 trở về trước nhưng chỉ công nhận lại được một vài trường.

Trong số những đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu, hầu hết ở ngoại thành. Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất giải thích: “Năm 2014 chúng tôi đăng ký xây dựng 3 trường chuẩn quốc gia. Dù phòng chuyên môn cũng đã tích cực tham mưu cho HĐND, UBND huyện để hoàn thành chỉ tiêu này nhưng do suy thoái kinh tế, nguồn thu của huyện hạn chế nên gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay về cơ bản 3 trường này cũng đã hoàn thành các điều kiện để được công nhận là trường chuẩn quốc gia, chúng tôi cũng sẽ cố gắng để quý I này công nhận”.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh,Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cho biết: “Năm qua huyện Sóc Sơn phân bổ ngân sách đầu năm cho mua sắm trang thiết bị, sửa chữa - xây dựng trường trong đó cả xây dựng trường chuẩn chỉ có 5 tỷ đồng. Chúng tôi có gần 100 trường, chỉ mua bàn ghế không thôi đã là hết sạch số tiền đó, không còn tiền để làm trường chuẩn. Trong khi đó hệ thống trường học xuống cấp rất nhiều, đặc biệt là có nhiều trường mầm non hiện nay quá tải - tới 80 trẻ/lớp. Vì thế lãnh đạo huyện phải tập trung tiền để xây dựng sửa chữa các trường học, đặc biệt là xây thêm phòng học cho các trường mầm non”.

Quyết tâm xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, năm 2014 quận này đăng ký xây dựng một trường chuẩn quốc gia, nhưng do một số khó khăn khách quan, tiến độ công nhận chuẩn chậm lại sang quý I năm 2015. Theo ông Lê Hồng Phú, Phó Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm, để hiện đại hóa mạng lưới trường học của quận, khó khăn lớn nhất của quận là thiếu đất.

Để đạt mục tiêu hiện đại hóa hệ thống giáo dục, cách đây ba năm UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã đưa ra kế hoạch 99, phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ sắp xếp lại được mạng lưới trường lớp trên địa bàn và sử dụng các điểm trường lẻ hợp lý, hiệu quả, xây dựng “trường ra trường lớp ra lớp” để mỗi trường có khuôn viên riêng đảm bảo môi trường giáo dục.

Cụ thể, trong giai đoạn 2012 - 2015, quận Hoàn Kiếm cải tạo đầu tư lớn và sửa chữa chống xuống cấp cho 23 trường, đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 1 cho 12 trường, nâng chuẩn quốc gia mức độ 2 cho 5 trường. Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc thực hiện kế hoạch 99 đến nay về cơ bản đảm bảo lộ trình đã vạch ra.

Bà Phạm Thị Hồng Nga cũng nhận xét, dù eo hẹp về quỹ đất nhưng tiềm lực kinh tế mạnh và sự quyết tâm của lãnh đạo UBND quận là lợi thế của các quận “lõi” trong tiến trình đạt tới các chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia. Khó khăn còn lại chủ yếu ở các huyện mà kinh tế hiện gặp nhiều khó khăn.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.