Theo Reuters, các thợ lặn dự kiến sẽ nối lại chiến dịch cứu hộ vào sáng 27/3 (giờ Mỹ) ở cảng Baltimore để tìm kiếm sáu công nhân mất tích và hiện được cho là đã thiệt mạng.
"Chúng tôi không cho rằng có thể tìm thấy bất cứ ai còn sống", Đô đốc Shannon Gilreath thuộc lực lượng Bảo vệ bờ biển nói trong một cuộc họp báo tối 26/3, khoảng 18 tiếng sau khi cây cầu Francis Scott Key đổ sập vì bị tàu container đâm trúng.
Hình ảnh vụ tai nạn nhìn từ không gian. Ảnh: Maxar |
Cơ quan chức năng cho biết tầm nhìn hạn chế và dòng chảy trên sông Patapsco khiến nỗ lực tìm kiếm trở nên vô cùng rủi ro nếu kéo dài qua đêm.
Từ 6h ngày 27/3, "chúng tôi hy vọng sẽ có thể đưa thợ lặn xuống sông và bắt đầu tìm kiếm kỹ lưỡng hơn để xác định thi thể sáu người mất tích", sĩ quan cảnh sát Roland Butler nói với các phóng viên.
Trước đó, lực lượng chức năng đã cứu sống hai công nhân vào thứ Ba và một người đã phải nhập viện. Sáu người được cho là đã thiệt mạng bao gồm các công nhân đến từ Mexico, Guatemala và El Salvador.
Các quan chức cho biết cả tám người đều đang tham gia sửa chữa mặt cầu Francis Scott Key khi cây cầu bị tàu container Dali đâm trúng lúc 1h30 sáng 26/3.
Ảnh: Reuters |
Ảnh: Reuters |
Ảnh: Reuters |
Sự cố đã buộc cảng Baltimore, một trong những cảng đông đúc nhất ở Bờ Đông nước Mỹ, phải đóng cửa vô thời hạn, đồng thời gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Baltimore và khu vực xung quanh. Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg cho biết việc đóng cảng sẽ có “tác động lớn và lâu dài đến chuỗi cung ứng”.
Trung bình có khoảng 31.000 phương tiện đi qua cầu Francis Scott Key hằng ngày. Cây cầu - mở cửa vào năm 1977 - đóng vai trò là tuyến đường chính cho những người lái xe giữa New York và Washington muốn tránh trung tâm thành phố Baltimore.
Tổng thống Joe Biden hôm thứ Ba cam kết sẽ đến thăm Baltimore càng sớm càng tốt và cho biết ông muốn chính phủ liên bang trả tiền để xây dựng lại cây cầu.
Đây có thể là vụ sập cầu tồi tệ nhất ở Mỹ kể từ năm 2007, khi cầu I-35W ở Minneapolis đổ xuống sông Mississippi, khiến 13 người thiệt mạng.