Từ nhiều năm nay, nhiều hộ sản xuất miến gạo tại 2 xã Đà Sơn và Tràng Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) vẫn sử dụng hành lang QL46, QL15, cạnh các mương nước thải, chuồng gà, xe cộ qua lại khiến bụi tung mù trời để làm sân phơi.
Mỗi ngày, các hộ sản xuất này tung ra thị trường hàng tấn sản phẩm không đảm bảo ATVSTP. Trong khi các hộ làm miến cố tình tái phạm thì các ngành chức năng lại xem nhẹ nên không xử lý một cách quyết liệt…
Miến “tắm bụi”, “hít” nước bẩn và phân gà
Cuối tháng 1/2015, chúng tôi ghé vào cơ sở sản xuất miến gạo của ông Nguyễn Quốc Quế tại xóm 11, xã Đà Sơn nằm cạnh QL46. Theo quan sát của chúng tôi, miến gạo đang được phơi trên sào nứa dọc hai bên đường chưa kịp khô. Chỉ mười lăm phút mà chúng tôi chứng kiến xe ô tô ngược chiều qua lại đến vài chục lần. Bụi tung mù trời khiến lượng miến đang phơi trên sào nứa liên tục phải hứng bụi.
Theo ông Quế, cơ sở của ông sản xuất miến gạo đã 3 năm nay, mỗi ngày sử dụng khoảng 300-400 kg nguyên liệu (gạo) và cho ra khoảng 270-360 kg miến khô thành phẩm. Mới đầu, ông phơi miến ở sân sau nhà nhưng khoảng vài năm nay, do hết hạn thuê sân, nên gia đình ông phải đem ra cạnh QL46 để phơi.
QL46 đoạn qua xã Đà Sơn có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, năm nay đang trong thời gian sửa chữa, bảo dưỡng nên sau mỗi chuyến xe vụt qua, bụi tung mù trời, bụi đất phủ trắng toàn bộ những hàng cây trồng hai bên vệ đường.
Miến của gia đình ông Quế và các hộ dân cùng làm nghề này tại xã Đà Sơn được phơi trên dàn nứa chỉ cách mặt đất 5-10 cm, ngay bên đường đi lại, cạnh đó là mương nước thải đen ngòm từ các lò miến xả ra, bốc mùi hôi thối, khiến người dân đi qua nhìn thấy cũng phải kinh hoàng. Chỉ có điều họ không biết lượng miến được “tắm bụi” đã được đưa đi tiêu thụ ở đâu.
Mỗi khi xe cộ đi qua, miến thành phẩm lại được "tắm bụi"
Cơ sở SX của ông Trương Phi Hùng, tại xóm 11, Đà Sơn hoạt động từ năm 2011 đến nay, mỗi ngày sử dụng khoảng 200-300 kg gạo. Sân phơi của nhà ông Hùng là sân đất, ẩm thấp được làm ngay phía sau nhà, cơ sở nhỏ, hẹp lại nằm sát quốc lộ.
Khi được hỏi về điều kiện ATVSTP, ông Hùng khẳng định, chúng tôi đã đi tập huấn và đã được cấp giấy chứng nhận ATVSTP (?!). Thế nhưng, khi phóng viên ngỏ ý muốn xem Giấy chứng nhận ATVSTP thì ông Hùng lại chối với lý do là đã bỏ nó ở đâu không rõ.
Còn ông Nguyễn Quốc Quế khi được hỏi về vấn đề này đã thừa nhận, cơ sở của ông không có chứng chỉ ATVSTP do “đi tập huấn được 2 ngày thì tôi bỏ giữa chừng nên đã không được cấp”.
Qua địa phận xã Xã Tràng Sơn, chúng tôi đếm được 6 cơ sở sản xuất miến, trong đó có 2 cơ sở nằm sát QL15, tuyến Đô Lương - Tân Kỳ. Do không có sân phơi, các cơ sở làm miến này đã tận dụng mái đê sát quốc lộ làm sân phơi miến. Điều đáng nói, trên mái đê, ngoài rác thải ngập ngụa, vật liệu, ve chai, đồng nát được vứt ngổn ngang còn có một số chuồng gà của người dân, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc đến ngạt thở.
Sân phơi không đảm bảo vệ sinh đã đành, điểm tập kết, bảo quản sản phẩm sau khi phơi cũng rất sơ sài. Rùng mình hơn là 100% số miến khi đã gần khô được họ đem xuống, rồi dùng hai bàn chân trần vò đi vò lại cho sợi miến bung ra, sau đó được xếp lại giữa sàn nhà, không hề trải bạt.
Một cơ sở sản xuất miến tại xóm 8 còn để miến thành phẩm ngay giữa sân, cạnh đó là mấy bãi phân gà vừa thải ra chưa kịp dọn; mấy chú gà con đang giằng nhau từng sợi miến nên trông rất bẩn thỉu.
Chính quyền xử lý lấy lệ
Làm việc với chính quyền 2 xã Đà Sơn và Tràng Sơn đều nghe cán bộ xã than phiền là chuyện này “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Chúng tôi đã nhiều lần được gọi các hộ làm miến lên trụ sở xã nhắc nhở và xử phạt nhưng chỉ ít ngày sau họ lại tái phạm...
Ông Lương Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Tràng Sơn cho biết, chỉ riêng trong năm 2014, UBND xã phối hợp với các cơ quan chức năng đã 3 lần gọi họ lên nhắc nhở, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt cao nhất của đoàn thanh tra liên ngành là 3 triệu đồng/hộ, UBND xã cũng xử phạt 500 nghìn đồng/hộ. Tuy nhiên, sau mỗi đợt kiểm tra, xử lý mọi chuyện lại tái diễn.
Lý giải điều này, ông Toản phân trần: Chính quyền xã không thể cho lực lượng thường xuyên túc trực để ngăn cấm. Thực tế, các hộ dân này không có sân phơi, họ vẫn biết làm như vậy là trái quy định nhưng vì miếng cơm, manh áo, họ đành làm liều, bị phạt thì đành chịu.
Miến phơi cạnh mương nước thải đen ngòm, hôi thối
Trả lời chúng tôi về việc tại địa phương có bao nhiêu cơ sở sản xuất miến gạo có chứng chỉ ATVSTP, ông Nguyễn Trọng Quế, Phó chủ tịch UBND xã Đà Sơn khẳng định dụng cụ, cơ sở sản xuất, chứng chỉ ATVSTP của các hộ sản xuất miến trên địa bàn “cơ bản là đạt”.
Ngược lại, ông Lương Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Tràng Sơn lại thật thà thừa nhận: Sở dĩ các hộ sản xuất miến gạo trên địa bàn xã chưa được cấp chứng chỉ ATVSTP là do họ không sản xuất thường xuyên, sợ đăng ký xong phải nộp thuế. Trên thực tế, các cơ sở sản xuất miến gạo tại Tràng Sơn và Đà Sơn không có hộ nào có giấy phép đăng ký sản xuất, kinh doanh.
Theo ghi nhận của chính quyền địa phương 2 xã nói trên, bình quân mỗi cơ sở sản xuất miến gạo (hộ gia đình) cho ra lò được khoảng 2-3 tạ sản phẩm/ngày, sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó. Như vậy, mỗi ngày, tại 2 xã này có trên dưới 2 tấn miến thành phẩm được bán ra thị trường nhưng chưa hề được các ngành chức năng kiểm định về chất lượng và ATVSTP.
Post by Báo Tiền Phong.Ông Nguyễn Đăng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đô Lương cho biết: 9 hộ sản xuất miến tại 2 xã Tràng Sơn, Đà Sơn chưa có hộ nào được cấp Giấy chứng nhận ATVSTP. Trung tâm đã nhiều lần làm việc với các xã trên, ký cam kết không phơi miến dọc đường nhưng các hộ dân vẫn cố tình vi phạm.