Hết hạn giải ngân gói 30.000 tỷ, người mua nhà như ngồi trên lửa

Người dân mong chờ gói tín dụng mới thay thế gói 30.000 tỷ đồng.
Người dân mong chờ gói tín dụng mới thay thế gói 30.000 tỷ đồng.
TP - Dù gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng còn 10% số vốn chưa giải ngân và đến tháng 6 này mới hết hạn giải ngân, nhưng thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại tạm ngừng cho vay. Trong khi đó, vốn giá rẻ từ ngân hàng chính sách đã được quy định trong nghị định mới về nhà ở xã hội (NƠXH) vẫn chưa được triển khai, khiến hàng trăm người mua nhà như ngồi trên lửa. 

Vay “tín dụng đen” mua NƠXH

Do chưa có hướng dẫn việc công chứng tài sản đảm bảo mua nhà hình thành trong tương lai nên nhiều ngân hàng thương mại tạm thời ngừng giải ngân cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Việc ngừng giải ngân gói này đúng vào thời điểm cuối năm khi nhiều gia đình đang trong giai đoạn đóng tiền nhà đợt 2, đợt 3 khiến nhiều hộ gia đình phải chấp nhận vay “nóng” để đủ tiền đóng tiền nhà.

Chị N.H (Hà Đông, Hà Nội) sau nhiều ngày cầm hồ sơ chạy đôn đáo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần để hỏi vay gói 30.000 tỷ đồng và bị từ chối, đành phải vay “nóng” 100 triệu đồng để đóng đợt 3 tại dự án NƠXH Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội). Chị H chia sẻ: “Phải vượt qua hơn 200 hồ sơ khác, gia đình tôi mới bốc thăm được quyền mua nhà tại đây. Hai vợ chồng vay mượn hai bên gia đình mới đủ đóng tiền đợt 1 và 2 và dự kiến đợt 3 vay ngân hàng gói ưu đãi thì bỗng dưng bị dừng. Thậm chí, chúng tôi mang hồ sơ đi vay gói thương mại thường cũng không được chấp nhận, vì vướng tài sản thế chấp. Bất đắc dĩ hai vợ chồng phải vay tín dụng đen, vì sợ quá hạn bị thu nhà”.

Hiện, mỗi ngày, chị H phải trả 100.000 đồng tiền lãi cho khoản vay của mình. Số tiền lãi tín dụng đen cao gấp 8 lần so với mức lãi ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng. “Tôi mong cơ quan nhà nước ra chính sách vốn ưu đãi dành cho NƠXH nên có thông tư hướng dẫn để ngân hàng thương mại tiếp tục cho người dân vay. Ra Tết, tôi phải đóng đợt 4, nếu vốn ưu đãi vẫn chưa thông e rằng gia đình tôi vẫn phải xoay xở vay lãi nóng, vì không vay được ở đâu”, chị H. nói.

Liên quan đến việc một số ngân hàng tạm dừng cho vay mua nhà thế chấp bằng quyền tài sản hình thành trong tương lai, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TPHCM cho biết, NHNN TPHCM đã có văn bản gửi NHNN hỏi về những vướng mắc xung quanh quy định hiện nay và thực hiện thế nào cho đúng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra ngày 29/1, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ yêu cầu đơn vị chức năng xem xét cụ thể việc ngừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. “Tuy nhiên, thời gian cuối năm, trong điều hành chính sách tín dụng của NHNN, tổ chức tín dụng nào đã sát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thì có thể tạm dừng một thời gian”, Phó Thống đốc nói.

Theo ông Minh, nhiều ngân hàng thương mại đang gặp một số vướng mắc về cho vay. Theo quy định của pháp luật về nhà ở và các văn bản hướng dẫn hiện hành, việc nhận thế chấp quyền tài sản liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai phải thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 99, các trường hợp nhận thế chấp không đúng với quy định trên thì không có giá trị pháp lý và không được pháp luật công nhận. Quy định là vậy nhưng hiện nay do chưa có hướng dẫn cụ thể nên phần lớn các văn phòng đăng ký đất đai địa phương từ chối xác nhận đăng ký giao dịch bảo đảm đối với việc nhận thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai.

Do vậy, nhiều ngân hàng thương mại tạm thời ngừng nhận thế chấp đối với một số loại tài sản như: nhà ở của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức được xây dựng trên khuôn viên đất thuộc quyền sở dụng hợp pháp của mình, đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền tài sản liên quan đến dự án xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai… nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trong thời gian chờ ý kiến hướng dẫn cụ thể từ NHNN và các cơ quan chức năng, tránh rủi ro pháp lý liên quan.

Bao giờ triển khai chính sách vốn mới?

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, chính sách NƠXH cho người thu nhập thấp là ổn định lâu dài. Vì vậy, cần có nguồn vốn dài hạn và không chỉ phụ thuộc vào gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Vốn cho NƠXH được quy định trong Nghị định 100 về phát triển và quản lý NOXH và có hiệu lực từ 10/12/2015, được phân cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).

Cuối tháng 1 vừa qua, NHCSXH có tờ trình gửi Thành viên Hội đồng quản trị NHCSXH về việc quyết định lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm và lãi suất cho vay. Theo đó, NHCSXH đề xuất lãi suất mua, thuê mua NƠXH với mức: 0,4%/tháng (4,8%/năm). Tại tờ trình do ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH nêu rõ: Đây là mức lãi suất phù hợp với bối cảnh ngân sách Nhà nước, khả năng huy động vốn của NHCSXH, đảm bảo ưu đãi thấp hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại cho vay theo Nghị quyết 02 (gói 30.000 tỷ đồng- PV), cao hơn lãi vay hộ nghèo về nhà ở hiện nay (3%/năm).

Hiện, NHCSXH đang chờ tờ trình của NHNN gửi Thủ tướng về mức lãi suất cho vay với NƠXH. Trong khi đó, theo lộ trình đến tháng 6-thời điểm kết thúc gói 30.000 tỷ đồng sẽ triển khai tín dụng từ NHCSXH. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, có hàng trăm hộ gia đình đang phải vay “nóng” và nhiều dự án không bán được hàng, vì người dân không vay được gói 30.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam vừa gửi văn bản lên NHNN đề nghị hướng dẫn, xem xét việc thế chấp đối với một số tài sản đảm bảo là bất động sản hình thành trong tương lai.

MỚI - NÓNG