Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng - an ninh (RUSI) ngày 3/12 cho rằng Nga đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng trong quá trình vận hành hệ thống vũ khí, trang thiết bị quân sự. Và vụ tai nạn máy bay tiêm kích MiG-29KUBR tại Địa Trung Hải tháng 11/2016 vừa qua là một ví dụ về thực trạng này.
Truyền thông Nga đã đăng tải không ít bài viết "mổ xẻ" nguyên nhân đằng sau vụ tai nạn của chiếc tiêm kích MiG-29KUBR hôm 13/11 khi chuẩn bị đáp xuống boong tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, chiếc tiêm kích này rơi xuống biển trong một phi vụ bay huấn luyện do lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, một số nguồn tin khác cho biết: đây là chiếc MiG thứ ba trong phi đội 3 chiến đấu cơ quay trở lại tàu Đô đốc Kuznetsov sau khi hoàn thành phi vụ do thám các mục tiêu xung quanh thành phố Aleppo của Syria, phục vụ cho chiến dịch không kích. Tuy nhiên, chiếc MiG thứ ba này đã được lệnh tạm ngừng hạ cánh để chờ khắc phục sự cố "đứt cáp hãm đà" trên tàu sân bay do chiếc thứ hai gây ra. Sau đó, máy bay đã rơi xuống biển do hai động cơ ngừng hoạt động, buộc phi công phải nhảy dù thoát hiểm.
RUSI cho rằng vụ việc đã đặt ra nhiều câu hỏi về mẫu thiết kế, tính năng và hiệu quả của hệ thống vũ khí trang thiết bị hiện nay do quân đội Nga sở hữu. Lỗi động cơ trên MiG-29 và nguy cơ cáp hãm đà trên tàu sân bay dễ dàng bị đứt được coi là những vấn đề "nóng". Trong khi đó, khả năng xử lý sự cố của đội ngũ nhân viên kỹ thuật dường như đang giảm đi nhanh chóng.