Hệ thống các trường sư phạm: Phân bố dàn trải, quản lý cát cứ

Hệ thống các trường sư phạm: Phân bố dàn trải, quản lý cát cứ
TP - Tình trạng phân bố dàn trải, nhiều cơ quan quản lý đang là những rào cản để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm. Đồng thời, đây cũng là những khó khăn khi giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên hiện nay.

Để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm cần nhanh chóng thực hiện quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên nhằm hình thành các cơ sở đủ mạnh, đào tạo có chất lượng. Góp phần giải “bài toán” quy hoạch, những giải pháp, đề xuất từ căn cứ khoa học và thực tiễn được đưa ra trong đề tài KHCN cấp quốc gia: “Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm (SP) ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” của Trường ĐHSP, ĐH Thái Nguyên, do GS.TS Phạm Hồng Quang (Giám đốc ĐH Thái Nguyên) chủ trì. Bước đầu, đề tài nghiên cứu đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm hiện nay gặp khó khăn nhất chính là vấn đề nhận thức và có quyết tâm thực hiện nay không.

Đến nay, toàn quốc có 14 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo chuyên về SP và 61 cơ sở giáo dục ĐH đa ngành có đào tạo SP. Ngoài ra, còn có 33 trường CĐSP ở các địa phương, 33 khoa SP trong các trường ĐH đa ngành khác; 24 trường CĐ và 38 trường trung cấp có chương trình đào tạo giáo viên. Như vậy, tổng số có hơn 100 trường ĐH, CĐ có chương trình đào tạo giáo viên.

GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, có sự phân tán trong quản lý Nhà nước đối với các trường SP. Cụ thể: Các trường ĐH SP trực thuộc Bộ GD&ĐT hoặc ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng); Trường ĐH Giáo dục trực thuộc ĐHQG Hà Nội, chịu sự quản lý trực tiếp của Chính phủ; các trường ĐH SP đặc thù (như Trường ĐH SP Thể dục thể thao, Trường ĐH SP Kỹ thuật, Trường ĐH SP Nghệ thuật…) lại trực thuộc các bộ, ngành khác. Các trường CĐSP trực thuộc Bộ GD&ĐT; trường CĐ và trung cấp khác có đào tạo giáo viên trực thuộc Bộ LĐ,TB&XH hoặc trực thuộc UBND các tỉnh...

Như vậy, sự phân bố các trường SP quá dàn trải về địa lý. Việc thành lập mới các trường ĐH (mà tiền thân là các trường CĐSP) vẫn theo nhu cầu của phát triển của từng ngành, địa phương, chưa quan tâm đến tính thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống. 

3/4 chỉ tiêu SP đào tạo tại các địa phương

Liên quan đến vấn đề tuyển sinh, nhóm nghiên cứu cung cấp thông tin: Từ năm 2013 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP luôn cao hơn mục tiêu đề ra. Các trường SP lớn được Bộ GD&ĐT giao trực tiếp chỉ tiêu tuyển sinh, con số mỗi năm chỉ khoảng 10.000. Còn lại, trên dưới 40.000 chỉ tiêu, Bộ GD&ĐT giao về địa phương, từ đó địa phương giao cho các trường ĐH có khoa SP hoặc Trường CĐSP trên địa bàn mình quản lý.

Từ năm 2013 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP luôn cao hơn mục tiêu đề ra. Bộ GD&ĐT đã liên tục cắt giảm chi tiêu tuyển sinh ngành SP từ 10 - 20% trong mấy năm vừa qua nhưng chưa thể cho ngừng tuyển mới vì liên quan đến sự sống còn của các trường SP. Năm 2017 - 2018, mặc dù Bộ GD&ĐT đã chủ động giảm chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng tổng số chỉ tiêu được phê duyệt vẫn là 54.000. Việc mở rộng quy mô đào tạo SP dẫn đến sự chênh lệch giữa cung và cầu khiến tình trạng sinh viên tốt nghiệp SP không tìm được việc làm tăng lên, dẫn đến chưa thu hút được nhiều thí sinh giỏi đăng ký xét tuyển vào các ngành/trường SP như mong đợi. 

Việc thiếu kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh SP dựa trên cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng giáo viên và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tại một số trường SP đã dẫn đến sự lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước cấp bù học phí, trong khi các trung tâm đào tạo SP lớn như Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP TPHCM chỉ được đầu tư rất hạn chế. 

Sự mở rộng quy mô đào tạo, thiếu kiểm soát các yếu tố đảm bảo chất lượng, thiếu dự báo về cung và cầu đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, nghĩa là không đảm bảo được mối quan hệ giữa cung và cầu về nhân lực trong lĩnh vực giáo dục. Điều này cũng dẫn đến hệ quả là một số trường CĐ đề nghị tự đóng cửa (Trường CĐSP Cà Mau); một số khác phải sát nhập hoặc chuyển đổi hình thức đào tạo sang đa ngành (gần 30 trường); một số trường khác chuyển sang thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên… Sự bất cập trên đã và đang xảy ra trên toàn bộ hệ thống đào tạo SP của Việt Nam.

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm của GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, cần thực hiện quản lý của Nhà nước một cách tập trung đối với chỉ tiêu đào tạo giáo viên hằng năm đảm bảo cung đáp ứng với nhu cầu xã hội. Bộ GD&ĐT cần chủ trì, phân bổ chỉ tiêu cho các trường dựa trên năng lực, nhu cầu của địa phương và điều kiện vùng miền. Đồng thời cần đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho đào tạo giáo viên. Thay đổi cơ bản phương thức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tiến tới thực hiện phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các trường SP.

MỚI - NÓNG