Dự án này được cho là có thể quyết định vận mệnh của ba nhà thầu hàng đầu là Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman.
Tuy nhiên, chi tiết xung quanh chiếc máy bay cũng như thiết kế của nó vẫn rất hiếm, ngay cả khi Lầu Năm Góc muốn chi 100 tỷ USD cho chương trình này. Chương trình sẽ sản xuất ra 80-100 máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới (với chi phí khoảng 550 triệu USD/chiếc), thay thế cho phi đội máy bay ném bom B-1 và B52 của Không quân Mỹ hiện nay. Thế hệ máy bay ném bom mới sẽ là những chiếc máy bay ném bom tầm xa và có khả năng tàng hình, dự kiến đi vào hoạt động vào khoảng năm 2020.
Chương trình này lớn và rất quan trọng đối với Không quân Mỹ. Nó là vấn đề trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của hàng không quân sự Mỹ trong ít nhất 2 thập kỷ tới. Nhưng tác động của nó sẽ trở nên rất rõ ràng trong mùa hè này, khi Không quân Mỹ quyết định lựa chọn Northrop Grumman hay Boeing, Lockheed Martin làm nhà thầu của chương trình này, và xây dựng cũng như duy trì hạm đội máy bay LRS-B của Mỹ.
Vì hầu như không còn một hợp đồng phát triển máy bay nào lớn nữa và do các hợp đồng hiện tại đã hết thời hạn, nên công ty không trúng thầu trong cuộc cạnh tranh này sẽ phải rút lui khỏi thị trường máy bay chiến đấu, hoặc sẽ phải có một động thái lớn mới tiếp tục ở lại ngành công nghiệp này.
Lockheed Martin, hãng đứng sau chương trình Máy bay tiêm kích chiến đấu F-35 trị giá 400 tỷ USD, có thể vẫn trụ được nếu mất hợp đồng LRS-B. Tuy nhiên, giữa Northrop Grumman và Boeing, sẽ có một hãng phải ra đi. Hợp đồng máy bay lớn cuối cùng của Northrop Grumman là phát triển loại máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit, loại máy bay này đã đi vào sử dụng cách đây hơn 1 thập kỷ và chỉ có 21 chiếc máy bay được sản xuất. Trong khi đó, dây chuyền lắp ráp máy bay chiến đấu duy nhất hiện nay của Boeing sẽ ngừng sản xuất vào năm 2018, nếu hãng tìm ra được khách hàng mua dòng máy bay chiến đấu F-18 hoặc F-15 của họ.
"Vấn đề lớn hơn là hai trong ba nhà thầu đang hết việc", Richard Aboulafia, phó chủ tịch phân tích của hãng tư vấn vũ trụ và quốc phòng Teal Group, nói. "Chẳng có gì sai với Northrop Grumman hay Boeing, song Northrop Grumman đã không phát triển máy bay quân sự trong nhiều năm nay, và đơn vị xây dựng máy bay quân sự của Boeing sẽ kết thúc sản xuất vào cuối thập kỷ này. Vì thế, về cơ bản, quyết định chọn nhà thầu của Không quân Mỹ mang tính thành hay bại đối với các công ty".
Điều này có thể dẫn đến một số chuyển biến thú vị trong ngành hàng không quốc phòng của Mỹ trong năm nay. Cơ hội đang nghiêng về phía Boeing. Nếu nhóm Boeing-Lockheed thắng thầu LRS-B, Northrop Grumman có thể vẫn tồn tại, vì các đơn vị công nghệ của hãng vẫn sản xuất mọi thứ từ các linh kiện tác chiến điện tử đến radar, đến máy bay do thám không người lái. Tuy nhiên, khi không có hợp đồng sản xuất máy bay quân sự nào, Northrop hầu như sẽ phải bán đứt mảng phát triển máy bay, và Boeing sẽ là một khách hàng tiềm năng.
Nếu Northrop Grumman thắng thầu LRS-B, diễn biến thị trường có thể sẽ khác hoàn toàn. Trong nỗ lực nhằm duy trì mảng phát triển máy bay chiến đấu, hãng Boeing to lớn hơn có thể hợp tác với Northrop Grumman và cùng tham gia thực hiện hợp đồng LRS-B.
Trong bất cứ trường hợp nào, một trong ba hãng sản xuất máy bay chiến đấu hàng đầu của Lầu Năm Góc hầu như sẽ rút lui khỏi thị trường này, Aboulafia nói. Một vụ thâu tóm hoặc sáp nhập có thể sẽ khiến Lầu Năm Góc gặp khó khăn. Trong những năm gần đây, Lầu Năm Góc đã cố gắng ngăn cản các vụ thâu tóm, sáp nhập lớn làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Hiện tại, gói thầu LRS-B là cuộc chơi duy nhất trên thị trường máy bay chiến đấu. Khi Không quân Mỹ ra quyết định cuối cùng vào mùa hè 2015, không nghi ngờ gì nữa sẽ có một hãng nào đó biến mất. Điều này khiến tác động của chương trình LRS-B trở nên mạnh mẽ hơn đối với ngành công nghiệp hàng không quân sự.
"Đó là một cuộc cạnh tranh lớn và nó sẽ quyết định mọi thứ", Aboulafia nói. "Đó là quy luật của thị trường".